Cuối tuần trước, một nhóm tình nguyện viên dựng trại tại khu đông người vô gia cư sinh sống ở Phoenix, thủ phủ bang Arizona, phát nước lạnh và các nhu yếu phẩm khác cho người dân, khi nhiệt độ tăng hơn 37,7°C từ sáng sớm. Những đồ dùng này có thể tạo khác biệt trong vấn đề sinh tử cho những người dễ bị tổn thương bởi nắng nóng.
Mùa nóng ở Phoenix, thành phố có biệt danh "Thung lũng Mặt trời", kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. "Phoenix luôn nóng bức, nhưng đợt sóng nhiệt này là tình trạng rất khác, là thảm họa tự nhiên của Arizona", Michelle Litwin, quản lý chương trình ứng phó với cái nóng của thành phố, nói.
Climate Check, tổ chức phân tích khí hậu liên quan tới bất động sản Mỹ, cho biết Phoenix dự kiến ghi nhận trung bình 44 ngày có nhiệt độ trên 43°C mỗi năm kể từ 2050. Trong khi đó, vào giai đoạn 1985-2005, thành phố chỉ ghi nhận 8 ngày có mức nhiệt tương tự.
Hai tuần qua, nhiệt độ cao nhất tại thủ phủ bang Arizona luôn trên 43°C. Tình trạng nắng nóng sẽ kéo dài đến hết tuần, có thể phá kỷ lục chuỗi 18 ngày ghi nhận mức nhiệt này từ năm 1974. Nhiệt độ đỉnh điểm tại Phoenix ngày 15/7 là 47,7°C, đánh dấu ngày nóng nhất năm ở Mỹ.
Phoenix năm 2021 thành lập Văn phòng Ứng phó Nhiệt độ cao (OHRM), trở thành thành phố Mỹ đầu tiên có cơ quan chuyên trách chống nắng nóng.
Đơn vị này đã đưa ra hàng chục chương trình với các mục tiêu tham vọng, như trồng thêm cây xanh, mở trung tâm làm mát và tăng cường điều hòa. Nhưng bất chấp các nỗ lực của OHRM, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng đáng kể trong những năm gần đây, với đỉnh điểm là 425 người chết vào năm ngoái.
Giới chức thành phố trong năm nay đã ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến nắng nóng, 55 trường hợp khác đang được điều tra làm rõ nguyên nhân.
Tại khu trại dành cho người vô gia cư, các nhân viên xã hội và sinh viên điều dưỡng từ Đại học bang Arizona chuẩn bị nước, khăn ướt và hàng trăm chiếc lều dựng dọc con phố cửa ngõ vào trung tâm thành phố.
"Đây là địa ngục trần gian. Tôi không phải người yếu đuối, nhưng những ngày qua đã vượt quá giới hạn", Michael Shaw, 49 tuổi, nói. Anh ở trần, để lộ cơ thể vạm vỡ, quấn khăn ướt trên đầu và cổ.
56% ngưởi tử vong trong mùa nóng năm 2022 ở Phoenix là người vô gia cư sống trên đường phố. Hạt Maricopa, nơi có thành phố Phoenix, có khoảng 5.000 người sống lang thang. Các chuyên gia cho hay con số này không chỉ cho thấy hậu quả biến đổi khí hậu, mà còn phản ánh vấn đề khủng hoảng nhà ở.
David Hondula, điều phối viên OHRM, cho biết một số trạm làm mát đang kéo dài thời gian hoạt động đến tận đêm. Thành phố cũng tăng gấp đôi số lượng tình nguyện viên phát nước và nhu yếu phẩm, đồng thời có kế hoạch cung cấp tài chính để khuyến khích người dân trồng thêm cây xanh.
Đến chiều, nhiệt độ tăng lên 43,3°C. Đối diện khu trại vô gia cư là công viên Pomello, nơi có bãi cỏ xanh, nhiều cây cối, tạo cảm giác "như hai thế giới đối lập".
Cây xanh có thể tạo khác biệt lớn. Theo Lora Martens, quản lý chương trình cây xanh đô thị, bóng râm có thể khiến nhiệt độ giảm đáng kể. Nhưng mục tiêu tăng mật độ cây xanh ở thành phố không phải điều dễ dàng.
"Những nơi cần cây xanh nhất lại là những nơi khó trồng nhất, bởi cây cối phải vật lộn để phát triển trong điều kiện nắng nóng", bà Martens nói. "Nhu cầu bóng râm ngày càng tăng, trong khi nguồn nước ngày càng giảm".
Khi mặt trời lặn, nhiệt độ giảm xuống khoảng 37,7°C, một số người tận dụng thời gian này để rời nhà, dắt chó đi dạo. "Tôi không muốn chân chó cưng của mình bị bỏng", Cooper Button, dân địa phương, nói, cho hay anh không cho con vật ra ngoài sau 9h.
Trong khi người vô gia cư vật lộn với cái nóng, nhiều người địa phương cho biết tình trạng này đã trở thành một phần trong cuộc sống ở Phoenix.
"Giống những vùng khác ở Mỹ, nơi mọi người phải ở trong nhà những tháng lạnh nhất, thì đây là 'mùa đông' của riêng chúng tôi", Shawn Bohl, dân địa phương, nói.
Sau nhiều năm làm cứu hộ tại các bể bơi, Michael Shields có đủ thời gian lập chiến lược sinh tồn trước cái nóng mỗi khi hè về. Cựu binh 67 tuổi thường dậy lúc 4h, mặc đồ bảo hộ, uống nước điện giải và bôi kem chống nắng, sẵn sàng "đối mặt với hỏa ngục".
Ông Shields quyết định tránh đọc tin tức về nắng nóng một cách tối đa. "Tôi không nhìn vào chỉ số thời tiết để giữ tinh thần ổn định", ông nói.
Đợt nắng nóng là kết quả của một rãnh áp cao khiến nhiệt độ tăng lên, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS) giải thích, cho hay đây là "một trong những hoạt động mạnh nhất" của rãnh áp cao tại khu vực này.
Phoenix ở tây nam là nơi chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất, trong khi NWS cảnh báo đợt nắng nóng lịch sử "không có dấu hiệu chấm dứt sớm". Những tuần tới dự kiến là khoảng thời gian rất khắc nghiệt đối với những người sống hoặc lao động ngoài trời.
"Chúng tôi làm việc cả năm và cần có việc làm", Crispin Allejah, nhân viên làm vườn, vừa nói vừa lau mồ hôi trên mặt. "Phải luôn giữ cho cơ thể vận động, đứng một chỗ sẽ quá nóng. Uống nước cũng cần từ tốn, uống quá nhiều có thể gây nôn mửa".
Bên trong xe tải giao hàng, Gabe Castle, nhân viên Amazon, đã chuẩn bị thùng giữ nhiệt với 15 chai nước uống, 6 chai nước đông lạnh, 5 chai bù nước và hai khăn tắm mini. Mỗi lần dừng xe giao hàng, Castle lại dùng một chiếc khăn để trùm lên đầu và cổ. "Đây là 'điều hòa' của riêng tôi", anh nói.
Castle thừa nhận tình hình trở nên khó khăn hơn. "Sẽ không bao giờ có thể thích nghi hoàn toàn với cái nóng ngột ngạt, nhưng sẽ đến ngưỡng chống chịu tốt hơn".
"Thành phố cần đảm bảo có thể giải quyết vấn đề kịp thời, nhưng chúng ta đã ở thế khó. Tôi thực sự hy vọng Phoenix có thể sớm tìm ra giải pháp, trước khi hành tinh này trở thành một quả cầu lửa", anh nói, nhìn vào đồng hồ và tiếp tục quay lại công việc.
Đức Trung (Theo Guardian, Reuters)