Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, mưa rào và giông xuất hiện từ tối 3/6 ở vùng núi phía bắc, đến ngày 4/6 thì mở rộng toàn miền. Một số nơi có thể xuất hiện mưa vừa (16-50 mm/24 giờ), mưa to (50-100/24 giờ).
Mưa giông sẽ chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài cả tuần qua ở miền Bắc, nhiệt độ toàn miền sẽ giảm mạnh. Trang Accuweather dự báo ngày 4/6, Hà Nội dao động 25-30, một tuần sau cũng chỉ 27-33 độ C, chưa tới ngưỡng nắng nóng.
Trước đó từ ngày 28/5, nắng nóng bắt đầu xuất hiện ở Tây Bắc và vùng núi phía tây miền Trung, một ngày sau thì mở rộng ra toàn miền Bắc và từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Đến ngày 30/5, nhiệt độ cao nhất ở tất cả tỉnh thành đều trên 38 độ C - ngưỡng nắng nóng đặc biệt gay gắt.
Đỉnh điểm là ngày 1/6, hàng loạt tỉnh như Sơn La, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ, Hải Dương nóng trên 40 độ C. Bốn trạm đo của Hà Nội là Ba Vì, Sơn Tây, Láng, Hà Đông đều trên 40 độ C, riêng trạm Hoài Đức xấp xỉ mức này. TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chiều 1/6 nóng tới 41 độ C.
Tại miền Trung, ngày 1/6 mức nhiệt trên 40 độ C được ghi nhận ở các huyện phía tây như Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Tây Hiếu, Đô Lương, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An), Đông Hà (Quảng Trị), Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho rằng đợt nắng nóng này có mức độ không bằng đợt cùng kỳ năm 2020. Tháng 5/2020, Hà Nội ghi nhận mức nhiệt gần 41, miền Bắc trải qua 43 ngày nắng nóng, miền Trung 48 ngày (dài nhất từ trước tới nay).
Trong tháng 6, dự báo nhiệt độ cả nước sẽ xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng miền Trung cao hơn 0,5-1 độ C. Tháng này sẽ còn 2-3 đợt nắng nóng, kéo dài khoảng 5-7 ngày, nhiệt độ phổ biến 35-38, có những nơi trên 40 độ C.
Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, mức tiêu thụ điện cả nước "đạt đỉnh", với công suất ngày 1/6 hơn 41.300 MW, phụ tải tiêu thụ điện là hơn 880 triệu kWh, cao hơn ngày trước đó gần 30 triệu kWh. Riêng tại Hà Nội, điện tiêu thụ là 94,8 triệu kWh, cao hơn ngày 28/5 khoảng 22 triệu kWh.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là số lượng điều hòa hoạt động quá lớn. Ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người phải làm việc ở nhà dẫn tới nhu cầu sử dụng điện cá nhân lớn hơn so với khi đi làm, chỉ sử dụng điều hòa tổng của cơ quan, đơn vị.
Phân tích về áp lực của ngành điện, ông Đình nói với công suất 41.300 MW có thể thấy ngành đã sử dụng hết "vốn liếng". "Ban ngày có điện mặt trời hỗ trợ, nhưng ban đêm thì áp lực sẽ cao hơn, ngành điện đã phải huy động thêm cả cơ sở chạy máy Diezen, những thủy điện nhỏ mà lượng nước trong hồ đã gần cạn kiệt", ông Đình nói và cho rằng nỗ lực trên chỉ có thể duy trì trong thời gian ngắn.