Hai ngày nay, miền Bắc xuất hiện nắng nóng diện rộng do ảnh hưởng của vùng thấp nóng phía tây. Tại Hà Nội, nắng nóng đã bắt đầu từ bốn hôm trước, lúc 13h ngày 30/5, 5 trạm đo khí tượng trên địa bàn đều hiển thị trên 36 độ C, riêng điểm ở đường Láng 38 độ C. Đây là mức nhiệt đo trong lều khí tượng có mái che, cách mặt đất 2 m, thực tế ngoài trời có thể cao hơn 2-4 độ C tùy địa hình.

Người dân Hà Nội phơi thóc dưới nắng nóng trên 38 độ C, chiều 30/5. Ảnh: Gia Chính
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng tiếp tục duy trì ở miền Bắc, đạt đỉnh vào thứ năm (3/6) sau đó giảm dần. Đợt nắng nóng này nhiệt độ cao nhất từ 35 đến 38 độ C. Một số điểm vùng núi như Phù Yên, Mường La (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) có thể vượt 40 độ C.
Trang Accuweather của Mỹ dự báo, thứ hai nhiệt độ Hà Nội 28-36 độ C, đến thứ năm mức cao nhất lên 38 độ C, sau đó giảm dần đến thứ bảy còn 32 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ duy trì 18-25 độ C, riêng thứ năm 20-27 độ C.
Miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng diện rộng. Vùng núi phía tây như Tương Dương, Quỳ Hợp, Con Cuông (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh), Đông Hà (Quảng Trị), Nam Đông (Thừa Thiên Huế) ghi nhận nhiệt độ cao nhất lên 40 độ C.
Khu vực này nắng nóng được cảm nhận gay gắt hơn do tác độ của hiệu ứng gió phơn, độ ẩm không khí phổ biến 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11 đến 18 giờ trong ngày.
Tuần tới, Nam Bộ và Tây Nguyên dự báo ít mưa; từ ngày 4/6 mưa giông xuất hiện trở lại. Nhiệt độ TP HCM khoảng 24-35 độ C, Tây Nguyên 21-34 độ C.
Cơ quan khí tượng nhận định, đợt nắng nóng tuần tới ở miền Bắc và Trung chưa phải gay gắt nhất của năm nay. Dự báo nắng nóng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 8, nhiệt độ trong tháng 6 và 7 xu hướng cao hơn. Miền Trung nhiệt độ trong tháng 7 và 8 không gay gắt và kéo dài như năm 2020.