Vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, nắng nóng cực đoan đã tấn công miền tây nước Mỹ và Canada. Hiện tượng "vòm nhiệt" đẩy nhiệt độ tăng lên gần 50 độ C ở Canada, khiến hàng trăm người thiệt mạng vì sốc nhiệt, đường dây điện bị nóng chảy, mặt đường nứt toác và thổi bùng các đám cháy rừng.
Miền tây bắc nước Mỹ cũng chịu tình cảnh tương tự khi nắng nóng buộc hàng loạt trường học và doanh nghiệp đóng cửa. Các điểm xét nghiệm Covid-19 và tiêm chủng lưu động phải ngừng hoạt động. Các kỷ lục về nhiệt độ ở Mỹ và Canada liên tục bị phá vỡ gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu.
Trong bối cảnh này, đánh giá về nguy cơ tình trạng nắng nóng cực đoan xảy ra ở Đông Nam Á, Michael E. Mann, giáo sư về khoa học khí quyển tại Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, nói với VnExpress: "Nhiệt độ cao kỷ lục sẽ được ghi nhận trên toàn thế giới khi hành tinh tiếp tục nóng lên. Các khu vực nhiệt đới có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì đây thường là khu vực có nhiệt độ biểu kiến (nhiệt độ mà con người cảm nhận, do tác động tổng hợp của nhiệt độ không khí và độ ẩm) vào hàng cao nhất".
Giáo sư Kristie Ebi, từ Trung tâm Y tế và Môi trường Toàn cầu thuộc Đại học Washington, có chung nhận định. "Rõ ràng Đông Nam Á sẽ trải qua nhiều đợt nắng nóng hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn. Hy vọng rằng tình trạng sẽ không khắc nghiệt như ở Tây Bắc Thái Bình Dương, mặc dù nguy cơ đó có thể xảy ra", bà nói.
Viện Toàn cầu McKinsey hồi tháng 11/2020 ra báo cáo nói rằng biến đổi khí hậu khiến châu Á phải đối mặt với những hiểm họa bao gồm lũ lụt, hạn hán, bão lớn cũng như nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, ước tính hàng năm 2,8 - 4,7 nghìn tỷ USD GDP ở châu Á sẽ gặp rủi ro do thời gian làm việc hiệu quả ngoài trời bị mất đi, vì nhiệt độ và độ ẩm tăng lên.
Các quốc gia châu Á có mức GDP bình quân đầu người thấp hơn sẽ gặp nhiều rủi ro nhất và người nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do họ phải tiếp xúc với khí hậu khắc nghiệt nhiều hơn người khá giả. Người nghèo thường làm những công việc ngoài trời, liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể có ít khả năng tài chính hơn để thích nghi với các điều kiện.
Viện McKinsey đánh giá Đông Nam Á có khả năng phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu nặng nề hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Họ cho rằng đến năm 2050, trung bình 8-13% GDP một năm của những quốc gia này có thể gặp rủi ro vì nhiệt độ và độ ẩm tăng lên.
Họ dự báo đến năm 2050, nguy cơ xuất hiện lượng mưa cực đoan có thể tăng gấp 3 - 4 lần ở Indonesia. Trong khi ngập lụt là hiện tượng phổ biến ở TP HCM, đến năm 2050, thiệt hại về cơ sở hạ tầng có thể lên tới 500 triệu đến 1 tỷ USD và thiệt hại gián tiếp có thể lên tới khoảng 1,5 - 8,5 tỷ USD.
Giáo sư Mann nhận xét cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu cho Việt Nam và tất cả quốc gia khác là ngừng tạo ra khí thải carbon làm hành tinh nóng lên. "Đó là điều khiến hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu sắp diễn ra vào cuối năm nay tại Glasgow (COP26) trở nên rất quan trọng", ông nói.
"Thế giới chỉ có một khoảng thời gian hạn hẹp là 10 năm để giảm lượng khí thải carbon xuống một nửa nếu chúng ta muốn ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu", ông nhấn mạnh.
Giáo sư Ebi cho biết hai hành động cơ bản là để tăng khả năng chống chịu các đợt nóng là giảm phát thải khí nhà kính để giảm cường độ sóng nhiệt trong tương lai và phát triển các kế hoạch hành động để chuẩn bị đối phó những đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn.
Cụ thể, việc phát triển kế hoạch hành động bao gồm thiết lập hệ thống cảnh báo và ứng phó sớm, khoanh vùng những nơi dễ bị tổn thương và đưa ra các phản ứng thích hợp. Cũng cần có các kế hoạch dài hạn về điều chỉnh các hệ thống công trình xây dựng, như giảm các đảo nhiệt đô thị (khu vực đô thị nóng hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh do sự thay đổi bề mặt sử dụng đất trong quá trình phát triển đô thị) và áp các quy định về hiệu quả năng lượng.
Viện McKinsey cho biết một lợi thế của Đông Nam Á trong đối phó với biến đổi khí hậu là cơ sở hạ tầng và các khu đô thị đang được xây dựng. Điều đó mang lại cho các quốc gia cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn với những biến đổi khí hậu khắc nghiệt và các sự kiện nghiêm trọng.
"Giống như tất cả nơi khác trên thế giới, châu Á cũng có thể góp phần giảm lượng khí thải. Khoa học khí hậu cho chúng ta thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ tiếp tục cho đến khi chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng 0", báo cáo của viện nhấn mạnh.
Phương Vũ