Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK2 Phạm Trần Xuân Hồng, Trưởng khoa Nội tim mạch 5 - Phục hồi chức năng tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức.
Nắng nóng gây hại sức khỏe tim mạch thế nào
- Mùa hè, huyết áp có thể bị ảnh hưởng bởi sự tỏa nhiệt của cơ thể, tim đập nhanh hơn bởi nhiệt độ cao và độ ẩm cao khiến máu lưu thông đến da nhiều hơn.
- Nhiệt và đổ mồ hôi cũng góp phần làm giảm lượng dịch trong cơ thể, giảm lưu lượng máu, dẫn đến mất nước, cản trở khả năng làm mát của cơ thể và gây stress cho tim.
- Khi mất nhiều nước hơn so với lượng nước bổ sung, cơ thể không đủ nước và dịch để thực hiện các chức năng bình thường.
- Thể tích tuần hoàn giảm gây hiện tượng máu bị cô đặc, là điều kiện thuận lợi xảy ra tai biến tắc mạch do huyết khối. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với người dùng thuốc kháng đông không đầy đủ.
- Ai cũng có thể bị mất nước. Tình trạng này dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho người có nguy cơ cao như tuổi tác, mắc bệnh mạn tính hoặc hoạt động ngoài trời như làm việc, tập thể dục.
Người nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nắng nóng
- Người lớn tuổi
- Có các vấn đề tim, phổi và thận.
- Đang sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc an thần hoặc thuốc huyết áp.
- Đang theo chế độ ăn ít muối hoặc ít natri.
- Mắc các bệnh gây giảm lưu lượng máu đến các cơ quan não, thận, tim...
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể không theo kịp nhiệt độ nóng
- Da lạnh, ẩm ướt.
- Lú lẫn.
- Chóng mặt.
- Mất phương hướng.
- Tim đập nhanh.
- Đổ mồ hôi quá nhiều hoặc không đổ mồ hôi nhưng thấy nóng và mệt, khát nước.
- Mệt mỏi.
- Đau đầu.
- Chuột rút hoặc co rút cơ.
- Buồn nôn.
- Phù ở tay hay ở chân.
Cách giữ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng
- Cần uống đủ nước.
- Tránh ra chỗ có nắng gắt, cần làm việc nhẹ nơi thoáng mát, luyện tập vừa phải.
- Tránh nóng giữa trưa.
- Bôi kem chống nắng và đội mũ khi ra ngoài.
- Chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
- Chế độ ăn lành mạnh, giàu rau củ quả, bổ sung vitamin và khoáng chất, ăn các loại hạt.
- Khám sức khỏe định kỳ.
- Người có tiền sử tăng huyết áp nên theo dõi huyết áp trong những đợt nắng nóng.
- Nếu có các dấu hiệu cảnh báo cơ thể không theo kịp nhiệt độ nóng, cần đến gặp bác sĩ ngay.
Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và phản ứng với nhiệt độ cao
- Thuốc tăng huyết áp như chẹn beta, thuốc lợi tiểu.
- Thuốc dị ứng như thuốc kháng histamin hoặc thuốc thông mũi.
- Thuốc điều trị tâm thần như thuốc chống loạn thần.
Nhiệt và bảo quản thuốc
Một số thuốc có thể bị biến đổi hoạt chất khi nhiệt độ thay đổi, bao gồm cả Insulin dùng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Do đó:
- Insulin nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Không để thuốc tiếp xúc với nhiệt độ quá cao.
- Thuốc nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Nếu bảo quản thuốc trong nhà tắm có vòi sen, trong xe, hãy giữ thuốc trong hộp đựng ban đầu để giúp cách nhiệt và độ ẩm dư thừa.
- Nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản có ghi trên hộp thuốc.
Mỹ Ý