"Như tôi đã hứa trong cuộc bầu cử, nhiệm vụ trước mắt của tôi là phải kiên quyết đối phó với Triều Tiên. Vì vậy, chính sách ngoại giao mạnh mẽ là điều cần thiết", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu hôm 22/10, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện. Theo giới phân tích, tuyên bố của ông Abe cho thấy quân đội Nhật Bản trong tương lai sẽ phát triển đáng kể năng lực tấn công phủ đầu để đối phó với mối đe dọa từ chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, theo Defense One.
Nhật Bản đang chủ yếu dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) hai tầng để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực. Lớp phòng thủ trên biển gồm các tàu khu trục trang bị tên lửa đánh chặn SM-2 và SM-3, chuyên đánh chặn tên lửa đạn đạo ở pha giữa, ngoài bầu khí quyển. Lưới phòng thủ trên mặt đất gồm các khẩu đội tên lửa Patriot PAC-3 dùng để đánh chặn tên lửa đối phương trong pha cuối.
Hệ thống BMD của Nhật được đánh giá là rất hiện đại, nhưng vẫn có nhiều hạn chế. Hệ thống Patriot chỉ có tầm bắn khoảng 20 km, khiến nó chỉ phát huy hiệu quả khi đặt sát mục tiêu cần bảo vệ, không thể phòng thủ một khu vực rộng lớn. Ngược lại, hệ thống lá chắn Aegis trên các khu trục hạm có thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật, nhưng phải được bố trí đúng lúc và đúng chỗ.
Tuy nhiên, các tên lửa Hwasong-12 được Triều Tiên phóng qua lãnh thổ Nhật Bản hồi tháng 8 và 9 đều có quỹ đạo vượt quá tầm bắn của hệ thống Aegis trên tàu chiến Mỹ và Nhật, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và Guam, cũng như hệ thống Patriot PAC-3 tại Nhật Bản.
Để lấp khoảng trống này, Nhật Bản sẽ phải đẩy nhanh kế hoạch mua hệ thống Aegis mặt đất (Aegis Ashore), trang bị tên lửa đánh chặn hiện đại hơn, được cho là giải pháp đánh chặn tốt hơn hệ thống BMD hiện nay.
Tuy nhiên, Tokyo cũng vướng nhiều rào cản pháp lý trong chiến lược phòng thủ. Hiến pháp nước này quy định quân đội Nhật chỉ được phép sử dụng vũ lực ở mức độ tối thiểu nhằm mục đích tự vệ, chính phủ Nhật cũng đề ra các quy định rất nghiêm ngặt trong việc thực thi quyền phòng vệ tập thể để bảo vệ đồng minh.
Theo đó, trong vòng vài giây sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, quân đội Nhật sẽ phải xác minh được quỹ đạo của quả đạn. Nếu nó không nhắm vào nước này, lãnh đạo Nhật cần nhanh chóng xác nhận xem quả tên lửa có đe dọa đồng minh hay không. Dù vậy, Nhật Bản cũng không thể đơn phương bắn hạ tên lửa Triều Tiên khi chưa nhận được yêu cầu trợ giúp của đồng minh như Mỹ.
Điều này hạn chế đáng kể khả năng đối phó của Tokyo trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Bình Nhưỡng, bởi khoảng cách từ Triều Tiên tới Nhật rất ngắn, khiến lãnh đạo Nhật có rất ít thời gian để phản ứng trước quả tên lửa đang bay tới.
Để tăng khả năng răn đe, quân đội Nhật Bản có thể phải cân nhắc phát triển năng lực đánh phủ đầu. Năm 1956, chính quyền thủ tướng Ichiro Hatoyama từng cho rằng việc sở hữu khả năng phủ đầu hủy diệt trận địa tên lửa đối phương phù hợp với quyền tự vệ trong hiến pháp, do Nhật không thể khoanh tay đứng nhìn kẻ thù chuẩn bị tấn công.
Cách diễn giải này có thể cho phép Tokyo tấn công một nước khác trước khi bị đe dọa. Tuy nhiên, phản ứng của dư luận và ràng buộc của hiến pháp đã khiến các chính quyền sau này không còn mặn mà với giải pháp đánh phủ đầu.
Vài năm gần đây, ông Abe đã tích cực vận động cho nỗ lực diễn giải lại hiến pháp, nhằm tạo điều kiện để quân đội Nhật có vai trò tích cực hơn trong cấu trúc an ninh khu vực và đối phó với các mối đe dọa. Việc ông tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ và sẽ cầm quyền đến năm 2021 sẽ là điều kiện rất thuận lợi để Tokyo tiếp tục thúc đẩy nỗ lực này.
Giới phân tích dự báo Thủ tướng Abe sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi tìm cách phát triển năng lực tấn công cho quân đội Nhật Bản. Ông sẽ bị chỉ trích vì vi phạm hiến pháp hòa bình của nước này, với lý do tên lửa tầm xa có thể gây chiến tranh và bị cấm theo hiến pháp. Các quốc gia như Trung Quốc cũng có thể cáo buộc Thủ tướng Nhật đang theo đuổi chính sách tái quân sự hóa đất nước.
Tuy nhiên, khi đối mặt với những lời đe dọa hủy diệt từ Bình Nhưỡng, Tokyo sẽ phải làm mọi thứ trong quyền hạn để bảo vệ đất nước. Nếu hệ thống BMD còn tồn tại lỗ hổng, Nhật Bản có thể phải tăng cường khả năng răn đe, kể cả phát triển năng lực tấn công tầm xa để đối phó với mối đe dọa từ chương trình tên lửa hạt nhân Triều Tiên, chuyên gia phân tích Jeffrey Hornung nhận định.
Duy Sơn