Không hạn chế việc thanh toán tiền mặt của các cá nhân và tổ chức không có tài khoản thanh toán. |
Còn với các tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, mức trần là 15 triệu đồng. Như vậy, hạn mức thanh toán bằng tiền mặt đã được nới thêm 5 triệu đồng so với dự thảo nghị định lần 4.
Việc quy định hai hạn mức chi tiền mặt đối với hai loại tổ chức có sử dụng và không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là xuất phát từ thực tế, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách là sử dụng tiền của Nhà nước, do đó phải tiết kiệm chi phí phát hành tiền cho Nhà nước. Các đơn vị này trong thực tế cũng không có chi tiêu tiền mặt lớn như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. |
Tờ trình gửi Chính phủ do Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn ký ngày 24/9 cũng đề nghị đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết hơn các dự thảo trước đây. Đặc biệt là quy định chỉ cho phép dùng tiền mặt để thanh toán trong các khoản chi cho cá nhân. Còn các tổ chức có tài khoản phải thanh toán với nhau bằng chuyển khoản (trừ những khoản nhỏ nằm trong hạn mức quy định), nhằm hạn chế việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng tiền mặt giữa các đơn vị, tổ chức có tài khoản tiền gửi thanh toán ở ngân hàng.
Trong tờ trình, ông Tuấn cũng nhấn mạnh đến thực tế và tập quán chi tiêu của người Việt Nam, đó là khu vực dân cư có tài khoản cá nhân (đặc biệt là tài khoản tiền gửi thanh toán) còn ít. Chính vì vậy, ông đề nghị nghị định về thanh toán bằng tiền mặt chỉ nên điều chỉnh các tổ chức có tài khoản tiền gửi thanh toán, chứ không điều chỉnh đối tượng là các cá nhân (dù có hay không có tài khoản thanh toán). Ông Tuấn cho rằng, nếu quy định cả cá nhân cũng phải thanh toán qua tài khoản là không thực tế và không khuyến khích họ mở tài khoản. Vì vậy, dự thảo nghị định sẽ không hạn chế việc thanh toán tiền mặt giữa các tổ chức có tài khoản với các tổ chức không có tài khoản và các cá nhân (dù có hay không có tài khoản).
Dự thảo nghị định lần 4 có quy định cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Kho bạc Nhà nước thu phí sử dụng tiền mặt. Đây là một trong những biện pháp kinh tế nhằm tác động tới các tổ chức có tài khoản tự hạn chế việc rút tiền mặt để sử dụng một cách không cần thiết. Mặt khác, thanh oán bằng tiền mặt là một trong các phương tiện thanh toán, là dịch vụ của các ngân hàng nên việc thu phí thanh toán là phù hợp trong điều kiện kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong tờ trình gửi Chính phủ lần này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị chưa thực hiện ngay quy định này và cho rằng quy định đó chỉ có tính chất dự phòng, sẽ được thực hiện khi cần thiết.
Theo Ngân hàng Nhà nước, xu thế chung trên thế giới hiện nay vẫn coi trọng hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, song nếu để việc thanh toán bằng tiền mặt nhiều sẽ làm phân tán, ứ đọng các nguồn vốn, không tiết kiệm được chi phí xã hội, đồng thời nhà nước khó kiểm soát được các giao dịch cần phải hạn chế. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã có những quy định hạn chế thanh toán tiền mặt. Thống kê của IMF năm 1997 cho thấy, tỷ lệ tiền mặt trên GDP của Nhật Bản là 10,4%, của Mỹ là 5,2%, trung bình của nhóm G10 là 5,3%. Tỷ lệ này ở Việt Nam năm ngoái là 18%.
Song Linh