Chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng đã ngoài 90, bị bệnh nan y. Bố mẹ chồng có một khoản lương hưu nhỏ, chúng tôi đều rất thương bố mẹ. Ông bà đông con; ngày chồng tôi còn trẻ, vì nhà nghèo nên hết lớp 12 anh đi làm mấy năm phụ kinh tế cho các anh ăn học, sau đó mới đi học lại.
Hiện nay, các anh chồng nếu không phải là người có chức quyền thì cũng kiếm được rất nhiều tiền, tất cả đều có cuộc sống giàu sang với nhiều nhà cửa, xe cộ. Tám năm trước, khi căn nhà ở quê khá cũ nát, tôi cùng chồng quyết định xây lại để ông bà và chúng tôi ở. Dự định ban đầu chỉ làm một lầu vì đất đai khá rộng, sau đó các con của ông bà gửi tiền về làm thêm hai lầu nữa khá bề thế. Hai lầu trên chúng tôi không sinh hoạt, chỉ để dành khi anh em về thì ở. Từ khi tôi về làm dâu tới nay, anh em cũng hiếm khi qua lại và gọi điện thăm hỏi. Hoặc khi đi dự họp, ăn cỗ gần nhà vài bước chân nhà cũng không thấy anh em về chào hỏi ông bà. Có những lần ông bà ốm rất nặng, trải qua những cuộc mổ và xạ quan trọng nhưng chúng tôi liên lạc thì họ đều nói bận tiếp đối tác, dự hội thảo, tiếp khách, dở chuyến du lịch không về kịp.
Có lần chồng tôi bị tai nạn, ở nhà còn mẹ chồng và đứa thứ hai chưa đầy cữ nên khi ông ốm tôi đã nhờ anh chị chăm sóc ở viện giúp, thế mà ai cũng bận và thuê người chăm. Ông bị lẫn, người chăm không quen, ông lại tủi thân khi mổ mà không có con ở bên thay rửa, chỉ có người lạ, vì thế ông bỏ viện về và đi lạc; may có người tốt đưa ông về tận quê và cho ông ăn suốt mấy ngày. Sau vụ đó, anh em nhà chồng chửi bới, đổ lỗi cho nhau, mất đoàn kết tới nay. Chúng tôi đứng ngoài chứng kiến, rút kinh nhiệm rằng đoạn đường còn lại của ông bà không còn bao nhiêu, vợ chồng tôi sẽ chia nhau gánh vác. Vậy nên ông bà nằm viện, xạ hay chạy thận chúng tôi chủ động đưa đi, tự chia nhau chăm sóc dù kéo dài bao lâu, không trông đợi vào các anh chị khác nữa. Khi ra viện, phần viện phí chúng tôi đã chi sẽ được hỗ trợ thêm phần nào.
Từ khi ông bà yếu, chúng tôi từ chối những cơ hội việc làm tốt hơn để có thể thay ca nhau lo cho bố mẹ. Chúng tôi từng tìm một vài giúp việc nhưng họ không chịu nổi cảnh hai ông bà đã lẫn lại thường xuyên dứt bỏ túi hậu môn nhân tạo ra nghịch, vì thế họ đều lần lượt nghỉ. Tôi 40 tuổi, nhiều khi mệt, thật tâm tôi mong muốn có một bàn tay đưa ra cho chúng tôi dựa dẫm nhưng các con ông bà có về thì cũng đứng từ xa nhìn, thấy quần áo cha mẹ vấy bẩn cũng lặng im. Anh em về chỉ ngủ, ăn nhậu rồi lướt điện thoại, tuyệt nhiên không hỏi han bố mẹ hay chia sẻ công việc chăm sóc cùng vợ chồng tôi.
Gần đây tôi quá ức chế đã lời qua tiếng lại với một vài anh chị và mọi người đi tới thống nhất : bố mẹ chung, chúng tôi bỏ công chăm, tiền ăn của ông bà thì tiêu vào lương, viện phí chia đều cho những người còn lại. Tôi thiết nghĩ, tiền thuốc bệnh lý nền và nhu yếu phẩm phục vụ hai bệnh nhân ung thư chưa bao giờ là nhỏ, mọi hóa đơn chúng tôi luôn lưu lại. Tôi thắc mắc không biết có nên trình ra hết để chia nhau nốt, hay đã làm thì làm cho tận cùng, coi như ông bà không có người con nào ngoài chồng tôi để trong lòng đỡ đau khi nhìn thấy cách con cái đối đãi với cha mẹ.
Xin nói thêm, căn nhà ở quê của chúng tôi đang sống chỉ có ý nghĩa về mặt kỷ niệm chứ đất chỗ tôi rất rẻ, ngày tôi về làm dâu bố mẹ chồng cũng không có tài sản riêng gì vì có chút nào đã dành cho các con học, khởi nghiệp, đầu tư đất đai. Chúng tôi đã có tuổi, ngần đấy năm hôn nhân và lo cho gia đình nên không một đồng tích góp, trong khi hai đứa con càng ngày càng học cao, may mắn chúng học rất giỏi và ngoan. Nhìn chặng đường phía trước thật mù mịt, nếu ngày nào đó chúng tôi bệnh tật khi con cái chưa ăn học xong thì sẽ ra sao?
Diệp
Độc giả gọi vào số09 6658 1270để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc