Mẹ là niềm tự hào của ngoại, học hành giỏi giang, thông thạo Anh-Pháp, nói tiếng nước ngoài tốt, giỏi cả đàn hát, nấu ăn, làm bánh và thêu thùa may vá. Trên đời có bộ môn nghệ thuật nào dành cho phái yếu thì hầu như mẹ từng học qua. Sau này, mỗi lần ngoại nhắc tới mẹ, tôi luôn cảm nhận được sự tự hào và tình yêu vô bờ bến trong tim ngoại. Mẹ mang tên loài hoa lan trắng, đúng là mẹ ngày xưa cũng xinh đẹp và thuần khiết như thế. Nhìn hình mẹ thời thiếu nữ, tôi cũng có thể đoán được là vào thời đó, đàn ông si mê mẹ không thiếu. Vậy mà, mẹ lại yêu ba, một người không có gia thế, cũng chẳng có tiền đồ. Ba mẹ lấy nhau trong sự thắc mắc, hả hê, cấm đoán của nhiều người, vậy mà họ cũng dắt tay nhau đi qua 25 năm cuộc đời.
Cũng chính vì đẹp và khéo như thế nên đôi khi tôi tự hỏi mình có phải con của ba mẹ không. Rồi khi nhìn hình chụp với ba, tôi nhận ra khuôn mặt mình, đặc biệt là cái khoé miệng cười toe toe giống ba như tạc. Thỉnh thoảng ba bất giác buột miệng xưng anh em với tôi khi chỉ nhìn loáng thoáng cái dáng sau lưng và bắt gặp hình bóng của mẹ. Tôi tự vấn bản thân rằng mình có điểm nào giống mẹ? Phải chăng vì mái tóc dài, sợi dầy hay vì cái tướng tôi cũng dong dỏng, mảnh khảnh mà lại hay bận mấy đồ bộ đi long nhong trong nhà nên trông tôi cũng hao hao giống mẹ? Tôi hay giả bộ im im, cười tủm tỉm cho ba thao thao bất tuyệt được một lúc. Mỗi lần phát hiện ra, ba đanh mặt và chửi đổng: "Mày ăn cái gì mà giống bả thế" rồi hai ba con cười ha hả.
Nếu tính tình ba khô khốc như cái bánh bông lan tôi làm năm lớp 12 thì mẹ thơm tho và ngọt dịu như những chiếc bánh Buche De Noel mà năm nào mẹ cũng cong lưng làm để dành tặng cho mọi người. Cái khúc cây của mẹ vui tươi như một bữa tiệc giáng sinh đầy màu sắc, có ông người tuyết cười giả lả, ông già Noel với chiếc bụng tròn xoe, vài cây thông nghiêng nghiêng tránh bão, những loài hoa không tên không nở trong đất mà nở vì đường, thỉnh thoảng còn loe hoe vài cây nấm ngọt lịm đâm chồi trong mớ kem tươi màu tuyết. Người ta chở những món quà của mẹ đi giao, tôi không chắc họ biết là họ đang chở cả tâm hồn yêu đời, yêu người của mẹ.
Những độ xuân về, nhà tôi vui như mùa lễ hội. Sáng sớm mùng Một, mấy đứa con nít trong xóm xếp hàng, rồng rắn nối đuôi nhau để chờ ba mẹ tôi lì xì. Mấy người trong xóm cũng quý mẹ vì: "Nhìn bả tiểu thơ vậy chớ cái bụng dạ tốt" .Nhà tôi năm nào cũng có cây mai lớn, hoa nở vàng ươm, ấm cúng cả một góc nhà. Tôi có thói quen hay mân mê mấy cánh hoa mịn như nhung ấy. Người người ra vô nhà tôi tấp nập, líu lo tíu tít; họ biếu của ngon vật lạ, bánh chưng, mứt Tết ngon và thơm nức mũi; họ biếu cả cái tấm lòng cho ba mẹ tôi. Tôi cảm nhận được sự chân thành trong những câu chúc ấy.
Từ mùng hai trở đi, nhà tôi ăn Tết ở quê nội. Trong khi tôi và ba thích xì tố và tiến lên thì mẹ lại thích những trò chơi thuần tuý hên xui, may rủi như bầu cua tôm cá, cũng như cái cách mà mẹ lấy ba mà không tâm tư, suy tính gì nhiều, chỉ biết phó thác vào số mệnh. Nếu lỡ thua thì cũng có cái cớ đổ thừa do mình bạc mệnh. Ấy vậy mà trong canh bạc lớn nhất của cuộc đời mình, cả ba và mẹ đều trúng giải độc đắc.
Năm nào người Sài Gòn cũng đi sắm Tết với nỗi háo hức mong Tết trong lòng, còn tôi của năm nay thì không. Dịch bệnh làm tôi và quê hương trở nên xa cách. Ví dụ có được về nhà, tôi cũng không chắc là năm nay muốn về vì giờ ở nhà cũng không có mẹ. Không có mẹ, Tết của tôi cũng đìu hiu.
Duyên
Độc giả gọi vào số09 6658 1270để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc