"Tôi đã không thể giữ được nó. Josie đang ở trong góc kia. Thi thể nó đã nằm đó được ba ngày rồi", người đàn ông nói trong nước mắt khi xuất hiện trên sóng của kênh truyền hình ABS-CBN.
Những người còn sống trên đảo Leyte, tỉnh miền trung Philippines nơi siêu bão quét qua, buộc phải sử dụng truyền hình làm kênh liên lạc với người thân. Các hình thức liên lạc khác bị chập chờn do ảnh hưởng của bão.
"Gửi tới mẹ của các con tôi, người đang sống ở Virginia (Mỹ). Tôi biết em đang xem chương trình này. Justin và Ella không còn nữa", một người đàn ông không rõ danh tính khác nói với ABS-CBN. "Các con đều đã chết".
Theo ước tính của Ủy ban người Phillipines ở nước ngoài, tính đến năm 2011, nước này có khoảng 10,5 triệu người sinh sống tại 217 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu là Mỹ (3,4 triệu), Saudi Arabia (1,6 triệu) và Canada (850.000). Nhiều người trong số này có kế hoạch trở về quê nhà tìm người thân sau siêu bão.
Naicy Yu Bono có mặt tại đại sứ quán Philippines ở UAE, chuẩn bị về nước tìm kiếm người thân. Mẹ cô và hai con gái, Rheinzi 8 tuổi và Reanne 22 tuổi, mất tích sau khi bão đi qua thành phố Tacloban.
"Lần cuối cùng tôi nói chuyện với Reanne là 1 giờ sáng ngày 8/11", cô nói với CNN. "Nó gửi tôi một tin nhắn, nói rằng 'Mẹ ơi, con rất sợ. Gió mạnh quá'".
Những người sống sót tại Leyte khi lên truyền hình cũng kêu gọi hỗ trợ về thực phẩm, thuốc men và nước uống. Phần lớn trong số họ đã bị đói nhiều ngày.
Nỗ lực cứu hộ ở vùng thiên tai đang gặp khó khăn do sân bay ở vùng tâm bão đi qua bị phá hủy hoàn toàn. Máy bay và trực thăng quân sự là cách duy nhất di chuyển, nhưng cũng chỉ có số lượng hạn chế. Các cơ quan cứu trợ cảnh báo có tới gần nửa triệu người Philippines đang phải đối mặt với cuộc chiến sinh tồn sau bão.
Nguyễn Tâm (Video: CNN)