Đang chạy với tốc độ 120 km/h qua cầu vượt km89 (phường Hòa Nghĩa, Hải Phòng) vào ngày cuối tháng 10, chiếc Fortuner do anh Trần Xuân Dưỡng điều khiển bỗng bị một cục đá to đập choang vào kính trước khiến những người ngồi trong xe choáng váng, chiếc xe rung bần bật.
"May tôi vững tay lái, nếu không chiếc xe sẽ đâm vào dải phân cách giữa. Xe đi tốc độ cao mà bị ném đá chiều ngược rất nguy hiểm", anh Dưỡng lo lắng và cho biết người ném đá là một thanh niên đứng trên cầu vượt, đã chạy trốn ngay sau khi ném.
Gia đình anh Dưỡng phải thay kính trước xe Fortuner mất hơn 10 triệu đồng, những người đi cùng vẫn còn ám ảnh, sợ không dám đi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tương tự tối một ngày cuối tháng 10, lái xe Bùi Văn Hà bị một số người đứng trên cầu vượt thuộc tỉnh Hải Dương ném đá làm vỡ kính xe. Tối 17/11, xe tải 2,5 tấn bị ném hàng chục viên đá lên kính trước và thùng xe khi đi ngang một cầu vượt ở Hải Phòng. Các chủ xe phải thay kính mất vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Ông Trần Anh Tú, giám đốc Ban quản lý khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho hay có ít nhất 5 vụ ném đá gây hậu quả với các lái xe thời gian qua, xảy ra trên địa bàn xã Hữu Bằng (Kiến Thụy, TP Hải Phòng) và xã Gia Khánh (Gia Lộc, Hải Dương).
Qua theo dõi, đội tuần đường đã phát hiện 2 thanh thiếu niên ném đá và giao công an xã xử lý. Những thiếu niên này cho rằng đây là trò vui, không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật.
Không chỉ nạn ném đá, tuyến cao tốc còn gặp vấn nạn rải vàng mã do nằm gần đài hóa thân trên đường Phạm Văn Đồng (Hải Phòng).
Đơn vị quản lý cao tốc ước tính trung bình mỗi ngày có 10-12 đoàn xe phục vụ tang lễ đi trên cao tốc. Xe tang đi đến đâu bà con rải tiền vàng đến đó, nhất là đoạn từ nút giao quốc lộ 10 Hải Dương đến nút giao đường Phạm Văn Đồng (Hải Phòng).
Giấy tiền vàng bay vào kính làm khuất tầm nhìn người lái xe, không chỉ làm tăng nguy cơ tai nạn mà còn mất vệ sinh môi trường.
Trước những vấn nạn này, đơn vị quản lý cao tốc phải tuần tra, mật phục 24/24h tại các điểm xảy ra ném đá, tụ tập đông người trên các cầu vượt ngang để ngăn chặn và nhắc nhở người dân.
Đơn vị cũng cắm biển cấm, phát tờ rơi tuyên truyền và điều động nhân viên tuần đường ra hiện trường thu dọn vàng mã. Tuy nhiên, họ gặp khá nhiều khó khăn khi trời mưa gió và đặc biệt là nguy hiểm khi đối diện các phương tiện di chuyển tốc độ cao trên đường.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng ban hành thông tư cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang, nếu vi phạm sẽ bị phạt từ một đến 3 triệu đồng.
Còn hành vi ném đá phương tiện giao thông, theo Nghị định 167, sẽ bị phạt 500.000-1.000.000 đồng. Trường hợp gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng mà cố ý gây hậu quả nghiêm trọng, người gây án sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điều 143 Bộ luật hình sự. Mức cao nhất của khung hình phạt này lên tới 15 năm tù.
Hà Nội - Hải Phòng là cao tốc đầu tiên ở Việt Nam xây theo chuẩn quốc tế, tuyến duy nhất có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, dài 105 km. Đây cũng là tuyến đường đầu tiên ở Việt Nam được ứng dụng các công nghệ phủ bêtông nhựa polimer dày 5 cm phía trên để giảm nguy cơ hằn lún vệt bánh xe. Điểm đầu giao cắt với vành đai 3 (cách cầu Thanh Trì một km về phía Bắc Ninh) thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), điểm cuối dự án tại cảng Ðình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng). Dự án có tổng vốn 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đầu tư (Vidifi). Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được trang bị hệ thống trạm cân thông minh tại các trạm thu phí với độ chính xác 97%, có thể phát hiện và từ chối phục vụ xe quá tải. Dọc tuyến đường có 58 camera tự động quay quét, bán kính quan sát trên một km, có thể phóng to 32 lần. |
Đoàn Loan