Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 23/5 dự phiên toàn thể về chủ đề "Chuyển hướng khủng hoảng lương thực toàn cầu" tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ). Chia sẻ tại đây, ông nêu 5 đề xuất để thế giới bước ra khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trước tiên là cần cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững.
"Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản", ông nói.
Về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững. Ở khía cạnh này, lãnh đạo Chính phủ nói, Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp carbon thấp, nông nghiệp xanh dựa trên 3 trụ cột chính, là "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại", "nông dân thông minh".
Ông cũng cho rằng, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương hay thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế sẽ giúp giải quyết nhanh hơn các vấn đề liên quan tới an ninh lương thực toàn cầu. Việc này cũng sẽ đảm bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại với lương thực, và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam đang thực hiện hiệu quả với một số nước châu Phi, Mỹ la tinh.
Nhưng trong quá trình này, ông lưu ý, các quốc gia cần đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.
Muốn thoát khỏi khủng hoảng lương thực, việc mỗi quốc gia cần xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan là cần thiết.
Cuối cùng, ông nhắc tới đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp. Điều này sẽ tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo...
Tình trạng lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và thực trạng đô thị hóa tràn lan đang tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu. Hợp tác công tư được lãnh đạo các quốc gia nhấn mạnh, sẽ giải quyết tình trạng thiếu lương thực và thúc đẩy xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu bền vững và bao trùm.
Giống nhiều quốc gia, Việt Nam đang chịu những tác động từ biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phó thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn và kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long. Động thái này sẽ góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với cuộc khủng hoảng từ xung đột Nga - Ukraine. Chủ đề của năm nay là "Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt", cho thấy trọng tâm 4 ngày họp sẽ là tác động chính trị - kinh tế từ xung đột này.
Năm nay, khoảng 2.500 đại biểu sẽ tham gia WEF Davos. Trong đó có hơn 50 lãnh đạo chính phủ, cùng nhiều giám đốc doanh nghiệp, học giả và nhà hoạt động xã hội khác. Những cái tên đáng chú ý là Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, lãnh đạo NATO Jens Stoltenberg,...
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng tham dự WEF Davos 2022 để chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam trong các phiên trọng tâm về chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, phát triển ASEAN số cho tất cả mọi người và đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao về xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững.
Ông sẽ có buổi làm việc với Chủ tịch WEF Borge Brende về thúc đẩy hợp tác. Việt Nam và WEF cũng dự kiến ký thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 và hướng tới 2030.