Ngày 1/10, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết bệnh nhân, ngụ Bình Chánh, đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP HCM, kết quả dương tính với đậu mùa khỉ, ngày 29/9. Bệnh nhân đang cách ly điều trị.
Đây là ca đậu mùa khỉ thứ 5 tại Việt Nam, ca thứ 4 ở TP HCM và là ca nội địa thứ ba.
HCDC điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, thông báo trạm y tế nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Hiện, những người này có sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh.
Người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn nhà và các vật dụng cá nhân. Ngành y tế tiếp tục điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.
Tuần trước, nam thanh niên 25 tuổi, tạm trú tại TP HCM, phát hiện mắc đậu mùa khỉ. Hiện, bệnh nhân vẫn được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định. Bạn gái của người này, ngụ Bình Dương, cũng mắc bệnh. Những người tiếp xúc còn lại chưa phát hiện dấu hiệu bệnh. Cả hai bệnh nhân đều không đi nước ngoài, không tiếp xúc người nước ngoài trong 21 ngày qua (thời gian ủ bệnh).
Hiện, chưa rõ nguồn lây bệnh cho các ca bệnh gần đây.
Các chuyên gia y tế cho rằng các ca đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng, trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng mạnh ở Thái Lan và Trung Quốc.
HCDC khuyến cáo người dân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong điều trị nhằm giảm biến chứng và phòng lây nhiễm.
Đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người này cũng chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Dịch đậu mùa khỉ bùng phát vào tháng 5/2022, xuất hiện tại những nước chưa từng có virus lưu hành trước đây như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Bỉ, Thái Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha... Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 90 nghìn ca mắc đậu mùa khỉ, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới. Ngày 23/7/2022, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, gỡ vào tháng 5/2023 nhưng vẫn xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho đậu mùa khỉ, chỉ có vaccine bệnh đậu mùa. Bộ Y tế đưa đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B, thuộc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Lê Phương