Đây là triệu chứng "ho ra máu sét đánh", diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu ộc ra ồ ạt không cầm được. Máu chảy lẫn máu đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, chỉ sau một vài phút sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp, trụy tuần hoàn. Bệnh thường gặp ở người lao phổi và là tai biến hiếm gặp, tỷ lệ tử vong rất cao, trên 90%.
Trước đó, bệnh nhân này thường ho ra máu mỗi ngày vài lần, lượng ít, đến bệnh viện quận Thủ Đức khám. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tổn thương phổi do lao. Vi khuẩn lao đã tạo hang ở phổi phải, khiến bệnh nhân ho ra máu, bác sĩ Phan Anh Dũng, Trưởng đơn vị Tiêu hóa, khoa Nội tổng hợp, cho biết hôm qua.
Sau cơn ho, bệnh nhân đột ngột lâm vào tình trạng nguy kịch.
Bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, hồi sức cấp cứu người bệnh, cầm máu bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản. Bệnh nhân phải thở máy, một giờ sau, các mạch máu xuất huyết đã được nút lại kịp thời. Bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch, tiếp tục điều trị lao phổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Long, trưởng Đơn vị Can thiệp mạch máu ngoại biên, khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được cầm máu nhờ phương pháp điều trị nội mạch, ít xâm lấn, là một kỹ thuật chuyên sâu. Thông thường, kỹ thuật này chỉ áp dụng tại các cơ sở y tế đầu ngành về hô hấp và thường thực hiện ở các bệnh nhân được hẹn lịch, tức có chuẩn bị. Thành công khi ứng dụng kỹ thuật này trong cấp cứu có ý nghĩa quan trọng đối với y học và người bệnh.
Hồi giữa tháng 8, Bệnh viện quận Thủ Đức cũng cứu sống một người đàn ông 65 tuổi, bị phổi mạn, lao phổi, "ho ra máu sét đánh" tương tự.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, lao là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả bộ phận của cơ thể. Trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất, chiếm 80-85% số ca bệnh và là nguồn lây chính cho những người xung quanh. Bệnh đã có thuốc điều trị. Thuốc được chương trình Chống lao Quốc gia cung cấp miễn phí, đầy đủ và đều đặn. Ho kéo dài trên hai tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra người bệnh có thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi "trộm" ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.
Người nhiễm HIV, người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em, người mắc các bệnh mạn tính (loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường, suy thận mãn...), người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, thuốc lào, người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như Corticoid, hóa chất điều trị ung thư... là nhóm nguy cơ cao dễ mắc lao.
Thư Anh