Ngồi lặng lẽ trên ghế đá ở một góc sân trường đại học, Minh Văn cúi gằm mặt mỗi khi thấy các sinh viên khác lướt qua. Chàng trai ở độ tuổi đôi mươi không dám nhìn thẳng hay tiếp xúc với ai. Cậu nói diện mạo xấu xí trở thành nỗi đau, ám ảnh suốt tuổi thơ.
Minh Văn sinh ra trong gia đình nông dân ở tỉnh Hậu Giang. Nhà nghèo khó, cha mẹ suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cậu tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi, mai này thành tài về giúp đỡ đấng sinh thành. Nhờ nỗ lực không ngừng, 12 năm Văn đều đạt học sinh giỏi.
Tuy nhiên, tuổi thơ Văn là những chuỗi ngày tự ti, mặc cảm. Vào cấp hai, khi bắt đầu thay răng, Văn nhận thấy khung hàm trên của mình phát triển quá mức so với bình thường. Cũng từ ấy, mọi người gắn cho cậu đủ biệt danh khó nghe như "thằng hô", "thằng nạo dừa Bến Tre" hay "chuột chũi"... Mỗi khi cậu đi qua, đám bạn xấu lại đồng thanh gọi "Văn chuột chũi, đồ xấu xí". Văn thấy tủi thân, tổn thương nhưng không thể chia sẻ cùng ai.
Tốt nghiệp trường chuyên tỉnh Hậu Giang vào năm 2017, Văn đậu đại học ở TP HCM với số điểm khá cao. Thế nhưng, khi Văn nhận giấy báo trúng tuyển đại học cũng là lúc hay tin mẹ bị ung thư. Cả gia đình phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi chữa trị cho mẹ. Thương mẹ bị bệnh, Văn định nghỉ học để lao động kiếm tiền giúp gia đình trả nợ. Nhưng vì thương con học giỏi, chăm ngoan, bố Văn đã khuyên con trai tiếp tục con đường học tập.
Rời quê nghèo lên thành phố theo đuổi con đường học vấn,Văn gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp, không thể kiếm được việc làm thêm vì ai cũng chê cậu xấu. Mỗi lần nghe câu "đồ chuột chũi", nỗi muộn phiền suốt tuổi thơ trong cậu lại ùa về.
Văn kể vì ám ảnh diện mạo, cậu có thói quen dùng tay sờ lên miệng để kiểm tra xem hai môi chạm được nhau chưa. Mỗi khi nghe bạn học chế giễu, Văn lại có ý định buông bỏ con đường học tập để về quê làm nông với ba. "Tốt nghiệp xong, với dáng vẻ hiện tại chắc cũng không có doanh nghiệp nào nhận tôi vào làm dù có cầm trên tay tấm bằng loại giỏi", Văn nói. Nhưng rồi chàng sinh viên nhận ra chỉ có con đường học vấn và thay đổi bản thân mới giúp mình thành công.
"Tôi chỉ mong có cuộc sống như bao người, một khuôn mặt bình thường, không còn phải nghe lời trêu chọc. Tôi mơ ước tìm được lối thoát bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ và tự tin đối diện với mọi người, thay vì luôn cúi đầu sợ sệt", chàng trai Hậu Giang bày tỏ.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc cho biết, từng phẫu thuật thẩm mỹ cho hơn 15.000 trường hợp khiếm khuyết ngoại hình, đa số đều trải qua mặc cảm, tự ti. Nhiều nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng, khi chứng kiến những hành vi sai, dù không phải với mình, con người cũng bị ảnh hưởng. Hệ thần kinh giao cảm bị kích động, ghi nhớ và điều đó tác động đến hành vi của mình về lâu dài. Nguyễn Minh Văn là một trong những nạn nhân của hành vi "bạo lực" bằng lời nói. Tình trạng nhìn bề ngoài để đánh giá một con người, hay đúng hơn là chế giễu ngoại hình của người khác làm niềm vui - đang có xu hướng gia tăng, nhất là khi mạng xã hội phát triển.
Nhiều chàng trai, cô gái ôm nỗi đau, sự mặc cảm suốt thời niên thiếu, thậm chí bị trầm cảm mỗi khi bị chế giễu ngoại hình. "Biết bao giờ người ta mới thôi tổn thương nhau bằng những lời nói tưởng như vô tình nhưng có thể giết chết ước mơ của một người", bác sĩ trăn trở và cho biết đang xem xét tình trạng lệch hàm, sức khỏe của Văn để tiến tới ngày đại phẫu, khắc phục khiếm khuyết ngoại hình đeo đuổi cậu sinh viên nhiều năm qua.
Thi Quân