Tháng 10 năm nay, Ang Ziyu, 19 tuổi, bị khiếm thị, trở thành tân sinh viên ngành Khoa học máy tính và thông tin, Đại học Minzu. Ang được coi là nhân vật truyền cảm hứng vì đạt điểm cao trong kỳ thi đại học gaokao và đỗ vào một đại học công lập bình thường, không phải trường chuyên biệt cho người khuyết tật.
Năm 3 tuổi, Ang mắc một căn bệnh về võng mạc. Bác sĩ nói với gia đình em rằng Ang sẽ bị cướp đi thị lực vào năm 30 tuổi. Trong nửa đầu của bậc tiểu học, Ang đã phải vật lộn với cuộc sống học tập và sinh hoạt. Em phải dùng sách giáo khoa có chữ lớn, thị giác ngày càng kém đi. Tệ hơn, khả năng nghe của Ang cũng bị ảnh hưởng xấu theo thị giác.
Khi học xong THCS vào năm 2016, Ang phụ thuộc vào bố mẹ và giáo viên, mỗi khi học bài phải nhờ người khác đọc to nội dung trong sách. Em quyết định xin vào trường trung học dành cho người khiếm thị tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Lúc này, Ang gần như không còn nhìn thấy gì. "Trường có chương trình tương tự trường công lập bình thường, đào tạo thêm chữ nổi Braille", Ang giải thích.
Tuy nhiên, nam sinh lo rằng nếu tiếp tục học tại đây đến hết năm lớp 12 thì sẽ không được thi đại học như người bình thường, chỉ được lựa chọn trong một số ít ngành đặc thù cho người khiếm thị như massage, âm nhạc, làm đồ thủ công... Sau một năm học và nắm được kiến thức cơ bản về chữ nổi, Ang chuyển đến trường phổ thông bình thường ở Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy.
Trong kỳ thi gaokao năm 2020, Ang được 635/750 điểm, cao hơn rất nhiều học sinh bình thường, giành một suất vào Đại học Minzu. Chàng sinh viên năm nhất đã chia sẻ quan điểm lạc quan: "Em sẽ học tập chăm chỉ và cố gắng sống một cách độc lập nhất có thể, trang bị nhiều kỹ năng xã hội cần thiết cho cuộc sống tự lập. Em không muốn trở thành người khuyết tật bị phụ thuộc".
Câu chuyện của Ang đã trở thành nguồn cảm hứng cho gần 86 triệu người tàn tật, trong đó có 17 triệu người khiếm thị, khắp Trung Quốc. Năm ngoái, 12.362 thí sinh khuyết tật đã trúng tuyển đại học bằng kết quả thi gaokao. Trong khi đó vào năm 2005, con số này chỉ là 4.335.
Trung Quốc chính thức cấm phân biệt đối xử với học sinh khuyết tật trong kỳ thi gaokao từ năm 1990 khi thông qua Luật Bảo vệ Người khuyết tật. Năm 2013, giới chức Trung Quốc yêu cầu các trường đại học ưu tiên người khuyết tật nếu nhiều ứng viên cùng điểm số.
Một năm sau, Trung Quốc yêu cầu ban tổ chức kỳ thi phải cung cấp thêm "những tiện ích hợp lý" cho thí sinh khuyết tật, bao gồm việc gia hạn thêm 50% thời gian làm bài, cho phép các bài thi chữ nổi Braille và miễn khả năng nghe hiểu tiếng Anh cho những người có thị và thính lực suy giảm.
Cheng Kai, Phó chủ tịch Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc, cho biết những quy định này nhằm tạo thêm cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận với hình thức giáo dục đại chúng, góp phần tìm kiếm và phát triển năng lực của cá nhân xuất chúng.
Zhang Yuexin, Phó viện trưởng Viện Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cũng nhận định tiến bộ này phản ánh tỷ lệ chấp nhận ngày càng tăng của các đại học với sinh viên khuyết tật.
Thanh Hằng (Theo China Daily)