Trưa 14/11, trận chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 khép lại. Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh lớp 12 trường THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh, trở thành quán quân. Giữa vòng vây của người thân, bạn bè, Khánh cười rạng rỡ. "Em thấy rất vui sướng, cảm giác tự do vì đã cởi bỏ mọi áp lực", Khánh nói, tay vẫn giữ chặt cúp và vòng nguyệt quế lấp lánh trên đầu.
Sinh ra trong một gia đình viên chức, có mẹ là giáo viên dạy Văn, còn bố là kỹ sư xây dựng, Hoàng Khánh học đều, cân bằng giữa tự nhiên và xã hội. Vì bố mẹ và ông bà đều yêu thích Đường lên đỉnh Olympia, ngay từ nhỏ, Khánh đã quen với việc gia đình quây quần, cùng nhau theo dõi chương trình.
Cuối năm lớp 8, khi chứng kiến anh Nguyễn Hoàng Cường, quán quân Olympia năm 2018, giành vòng nguyệt quế thứ hai về cho Quảng Ninh, Khánh được truyền cảm hứng. Chàng trai sinh năm 2004 cho rằng đây là một trong những động lực trực tiếp, rõ ràng, giúp mình xây dựng lộ trình dài hơi để trở thành một "Olympian" (người chơi của Olympia).
Ở nhà, Khánh có rất nhiều sách. Bố mẹ em thường nói vui rằng đây là một thư viện nhỏ của con trai. Ngoài những giờ học trên lớp, em sẽ đọc thêm sách báo, tin tức, đặc biệt là những thông tin về dịch bệnh. Khánh cho rằng, thói quen này giúp em rất nhiều trong những câu hỏi kiến thức chung hoặc về Covid-19.
Lúc đầu, Khánh "học nhồi", cố nhét vào đầu mọi thứ đọc được. Có những ngày, em ôm máy tính gần như cả ngày nhưng lại không nhớ được gì nhiều. Việc này đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của em, tinh thần cũng không tốt. Khánh nhận ra và quyết định thay đổi.
Khi chuẩn bị cho cuộc thi chung kết, em đã phân chia thời gian ôn tập hợp lý hơn. Hàng ngày, Khánh vẫn thu thập kiến thức trong sách giáo khoa, theo dõi thời sự từ báo Việt Nam và nước ngoài. Sau đó, em làm việc nhà, nấu ăn và hoạt động thể thao. Nhờ vậy, chàng trai Quảng Ninh giữ được tâm trạng thoải mái, cân bằng. Lúc rảnh rỗi, Khánh xem lại chương trình chung kết Olympia các năm trước để làm quen với không khí của trận đấu quan trọng này.
Cùng với việc tự ôn luyện, Khánh cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía giáo viên trường THPT Bạch Đằng. Mỗi thầy cô sẽ tập hợp một tệp câu hỏi để gửi cho Khánh. Trong lúc luyện tập, Khánh thường bấm thời gian khoảng 5-10 giây cho mỗi câu hỏi để tăng tốc độ phản xạ. Em cũng nhờ một số giáo viên đang sống và làm việc tại nước ngoài chia sẻ thêm về các vấn đề hoặc thành tựu nổi bật, hiện được thế giới quan tâm.
Trong trận thi tháng, Hoàng Khánh bấm trượt chuông ở phần thi Về đích, bị đẩy vào thế khó và có nguy cơ phải dừng bước. Lúc đó, điều khiến em sợ hơn cả là khiến những người ủng hộ thất vọng, chứ không phải việc không được đứng lên bục vinh quang một lần nữa. Vì thế, khi trở thành thí sinh có điểm nhì cao nhất và lọt vào vòng thi quý, Khánh tự nhủ "điều này không được phép lặp lại".
Khánh khắc phục triệt để việc bấm chuông chậm và gây ấn tượng với khả năng giành quyền trả lời trong trận chung kết. Dù tay liên tục ra mồ hôi vì hồi hộp bởi không khí căng thẳng tại trường quay, em vẫn liên tiếp nhấn chuông và giành được điểm.
Khánh cho rằng, bước ngoặt của trận đấu là khi mình trả lời đúng từ khoá của phần thi Vượt chướng ngại vật. "Em cảm thấy mình cũng hơi liều, nhưng cuộc chơi cần có những khoảnh khắc như vậy để tạo ra lợi thế cho bản thân", Khánh nói. Nhờ việc đưa ra đáp án đúng "miễn dịch cộng đồng" trong phần thi này, nam sinh giành thêm 70 điểm, tạo khoảng cách khá xa với các bạn chơi và duy trì lợi thế này cho đến hết trận đấu.
Chia sẻ về lý do chọn ba câu hỏi 10 điểm ở phần thi Về đích, Khánh cho biết lúc đó, em đang hơn Hải An, người đứng thứ hai, 80 điểm. Chọn gói ít điểm nhất khiến em khó có thể nới rộng khoảng cách nhưng cũng giảm rủi ro nếu các bạn khác giành quyền trả lời.
Hoàng Khánh nhớ nhất câu hỏi về bài thơ "Phố ta", trị giá 30 điểm trong gói về đích của Việt Thái. Vì rất thích bài thơ này nên khi giành được quyền trả lời, Khánh biết mình chắc chắn sẽ trả lời đúng. "Em rất tự tin ở câu hỏi này. 30 điểm giành được từ Thái cũng giúp em tạo ra khoảng cách an toàn hơn với Hải An", Khánh nói.
Thầy Trần Duy Tuấn, giáo viên chủ nhiệm của Hoàng Khánh, xúc động khi học trò trở thành quán quân Olympia năm thứ 21. Đây là lần thứ ba Quảng Ninh có thí sinh vô địch, nhưng mới là lần đầu tiên THPT Bạch Đằng có học sinh lọt vào chung kết và giành chiến thắng. Thầy Tuấn cũng như nhiều giáo viên, bạn học của Khánh bày tỏ sự tự hào trước thành tích của em.
Thầy giáo đánh giá cậu học trò có trí nhớ rất tốt. Ngay từ khi gặp Khánh ở năm lớp 10, thầy Tuấn đã ấn tượng với khả năng ghi nhớ kiến thức để vận dụng giải các bài tập khó của em. Dù Khánh không làm cán sự lớp, thầy Tuấn luôn thấy em năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động tập thể. "Khánh là một học sinh toàn diện, bản lĩnh", thầy nói.
Còn với bà Hoàng Thị Thu Giang, mẹ của Khánh, việc ngồi dưới ghế khán giả, theo dõi con trai thi đấu mang đến những cảm giác chưa từng có. Trong khi Khánh không bộc lộ quá nhiều cảm xúc, bà và chồng hồi hộp hơn cả con. "Khánh kiệm lời, là người có bản lĩnh, đôi khi là điểm tựa tinh thần cho cả nhà", bà Giang nói.
Trở thành quán quân với phần thưởng 40.000 USD, Hoàng Khánh có nhiều cơ hội du học. Tuy nhiên, em cho biết sẽ cân nhắc kỹ vì muốn học trong nước hơn, đặc biệt là khi dịch bệnh vẫn phức tạp. Em muốn trở thành một doanh nhân và đang cân nhắc một số trường kinh tế. Thời gian tới, ngoài theo đuổi mục tiêu này, Khánh sẽ học thêm về lập trình.
Khánh vẫn hay nói, em đã dành hơn một những năm tháng cấp ba của mình cho Olympia. Danh hiệu quán quân Olympia đã giúp hành trình của Khánh có một kết thúc có hậu, nhưng em khẳng định không ngủ quên trên chiến thắng và sẽ lên kế hoạch chinh phục những điều lớn lao hơn. "Sau chương trình, cả em và các bạn sẽ có những lựa chọn riêng. Em hy vọng Olympia là bước đệm tốt cho mỗi người, sau này gặp lại, mong là bọn em sẽ ở những vị thế mới, có thể không giống nhau nhưng đều đang đóng góp điều gì đó cho xã hội", Khánh nói.
Thanh Hằng