Dũng sinh năm 2004 tại Hà Nội, trúng tuyển ngôi trường trong nhóm 8 đại học danh giá nước Mỹ (Ivy League), theo đuổi chuyên ngành Vật lý. Darmouth hiện đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng đại học nước Mỹ, theo US News. Nam sinh nhận mức hỗ trợ tài chính 65.000 USD (hơn 1,5 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 6,1 tỷ đồng cho bốn năm học.
"Sau hàng tỷ năm, các ngôi sao phải chết. Vào thời điểm chết, các ngôi sao giải phóng các sản phẩm được tạo ra từ các phản ứng nhiệt hạch mà sau này bao gồm các vật liệu được sử dụng để tạo ra các ngôi sao, hành tinh mới và thậm chí cả sự sống. Do đó, cái chết là không thể thiếu đối với sự sống. Giống như Carl Sagan đã nói vào năm 1973 rằng, chúng ta được tạo nên từ những ngôi sao", Dũng viết trong bài luận.
Cũng trong bài luận, nam sinh Việt trăn trở khi sự phát triển hiện đại phá vỡ các chu kỳ tự nhiên của cuộc sống. Dũng lấy hình ảnh của dải thiên hà với lực hấp dẫn liên kết hàng tỷ ngôi sao, mỗi ngôi sao đều khác nhau, cho rằng nó tương tự hàng triệu người chung tay cùng nhau để xây dựng cộng đồng. Những ngôi sao là những cá nhân trong xã hội, tưởng tách biệt nhưng lại cùng với hành tinh tương tác trong quỹ đạo ổn định tạo nên bầu trời. Em mong dùng kiến thức vật lý để khám phá những bí ẩn về sự tương tác giữa các hạt bụi, có khả năng phát triển công nghệ hạn chế ô nhiễm môi trường.
Cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nói có niềm đam mê với Vật lý từ nhỏ. Em luôn hứng thú với những hiện tượng vật lý và muốn lý giải được nguyên lý phía sau chúng.
Học ở ngôi trường nổi tiếng cạnh tranh cao, Dũng đạt điểm trung bình lớp 10, 11, 12 lần lượt là 9.3, 9.7, 9.9 điểm và được cử tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi Vật lý. Tháng 11/2021, sau khi đạt giải ba thi học sinh giỏi quốc gia, Dũng được cử đi thi Olympic quốc tế về Thiên văn và Vật lý thiên văn (IOAA - International Olympiad on Astronomy and Astrophysics).
Kỳ thi quy tụ khoảng 50-60 đội, từ hơn 30 quốc gia. Bài thi gồm bốn phần: Lý thuyết trong vòng 5 tiếng, phân tích xử lý số liệu trong vòng 3 tiếng, một bài thi thực hành trong vòng một tiếng và bài thi quan sát đêm trong 45 phút tới một tiếng. "Hành trang duy nhất của em là những kiến thức vật lý chưa thực sự được gắn liền với thiên văn", Dũng nói, cho biết cũng không có kính để ngắm sao, từ nhỏ em chỉ ngắm sao bằng mắt. Khi tham gia kỳ thi, Dũng và một số thành viên trong đội tuyển được một người bạn quốc tế cho mượn để dùng chung.
Dũng đã tự vẽ bản đồ sao bằng tay để có thể học hiệu quả hơn, chủ động nghiên cứu qua sách và các tài liệu trên mạng. Mỗi tháng, nam sinh dành hai ngày lên đài thiên văn Hoà Lạc để ngắm sao và trau chuốt kiến thức về bầu trời đêm.
Trong đợt dịch Covid-19, năm học 2020-2021, Dũng dùng chiếc Ipad cũ "10 năm tuổi", khiến em gặp khó khăn khi tra cứu tài liệu trên mạng. Mẹ và anh của Dũng đã mua cho em một chiếc máy tính xách tay. Cùng sự hỗ trợ của thầy cô, các anh chị khoá trước, em nhanh chóng nắm bắt được ứng dụng của môn Vật lý vào nghiên cứu thiên văn, và giành chiếc huy chương vàng tại IOAA.
Tiếp đó, Đình Dũng đại diện học sinh Hà Nội tham gia kỳ thi Olympic quốc tế về đô thị IOM (International Olympiad of Metropolises) được tổ chức tại Moscov, Nga. Thi bốn môn Toán, Lý, Hoá, Tin với học sinh từ hơn 30 thành phố lớn trên thế giới, nam sinh đã giành tấm huy chương bạc.
Giữa năm lớp 12, Đình Dũng đưa ra quyết định du học. Vì khá gấp gáp, em chọn "gap year" (tạm dừng việc học) một năm để chuẩn bị hồ sơ, gồm ôn luyện cho bài thi chuẩn hóa dùng xét tuyển vào đại học Mỹ - SAT, viết luận, nâng điểm chứng chỉ tiếng Anh. Dũng thi SAT đạt 1520/1600, thi lại IELTS và nâng điểm từ 7.5 lên 8.0.
Ngoài ra, Dũng làm cố vấn cho đội tuyển Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn của Việt Nam, cố vấn dạy Toán của dự án "Đại sứ Thanh niên STEM" cho học sinh miền núi. Nam sinh còn viết nội dung cho dự án làm và bán các sản phẩm bằng len, gây quỹ cho phụ nữ bị bạo hành, dạy tiếng Anh cho học sinh ở Lào Cai.
Cuối năm lớp 12, Dũng và hai người bạn cùng lớp làm dự án mô hình tàu điện ở Đại học Phenikaa. Những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được trong việc làm thí nghiệm và đo đạc thực tế, theo Dũng sẽ chuẩn bị cho em nền tảng để tham gia nghiên cứu khi vào đại học. Còn trong dự án "Keep Hanoi Clean", với vai trò tình nguyện viên thu thập thông tin, Dũng biết về việc ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ tạo hành trình thu thập rác thải làm sạch thành phố. Em được truyền cảm hứng về việc sử dụng kiến thức khoa học tự nhiên để xử lý các vấn đề về môi trường.
Tất cả được Dũng thể hiện trong bộ hồ sơ nộp vào Đại học Dartmouth. Nam sinh nói bộ hồ sơ của em thể hiện tinh thần "Be yourself, everyone else is taken" (Hãy là chính mình) của nhà văn Oscar Wilde (nhà văn nổi tiếng thế giới người Ireland). Sự thống nhất giữa niềm đam mê Vật lý thiên văn, thế mạnh học tập và bài luận đã thể hiện rõ tính cách, khát vọng và giúp em trúng tuyển ở đợt nộp đơn sớm.
Nguyễn Mạnh Đức, sinh viên Đại học Chicago, bạn cùng lớp 12 của Dũng, cho biết Dũng thân thiện, nhiệt tình và là một người bạn truyền cảm hứng. Dũng đạt nhiều thành tích và cả giải thưởng quốc tế dù khó khăn về tài liệu và thiết bị học tập. "Em và Dũng thường thách thức nhau bằng các câu đố về thiên văn học, Dũng là bạn và cũng là 'đối thủ' để chúng em thúc đẩy nhau cùng tiến", Đức nói.
Thầy Triệu Lệ Quang, giáo viên Vật lý, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết Dũng thường xin tài liệu nâng cao để chuẩn bị cho các kỳ thi Olympic. Từ khi vào lớp 10, cậu học trò đã thể hiện khả năng nắm vững các khái niệm vật lý một cách ấn tượng. Em tập trung, chủ động đào sâu các chủ đề và luôn đạt điểm cao nhất trong các bài thi Vật lý ở trường.
Thạc sĩ Đào Phương Thảo, giáo viên Toán của trường, nói Dũng sâu sắc và nhạy bén. "Dũng có những tố chất cần thiết để trở thành một nhà khoa học xuất sắc", cô Thảo chia sẻ.
Dũng cho biết đang tìm hiểu kinh nghiệm học tập cũng như cuộc sống ở Mỹ để có "sự chuẩn bị tốt cho lần đầu xa nhà".
Lệ Thu