Trần Thế Dương, 23 tuổi, quê Bắc Ninh là sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa, trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Nam sinh tốt nghiệp sớm một học kỳ với điểm tổng kết toàn khóa (CPA) 3.89/4, dẫn đầu đợt tốt nghiệp tháng 5/2024 của trường.
"Mình luôn duy trì loại xuất sắc nên đoán sẽ vào top điểm cao khi tốt nghiệp, nhưng cao nhất là điều không ngờ tới", Dương nói.
Nỗ lực học tập của Dương xuất phát từ hoàn cảnh gia đình. Dương lớn lên ở vùng quê thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Bố Dương làm thợ xây, mẹ làm ruộng nhưng bị bệnh về thần kinh, giảm khả năng lao động. Là con út và học tốt nhất trong ba anh em, Dương được cả nhà hỗ trợ để học lên đại học. Hai anh lớn của Dương chỉ học hết lớp 12 là phải đi làm công nhân, phụ giúp gia đình.
Từ những năm cấp ba, Dương đã cố gắng để trúng tuyển Bách khoa Hà Nội. Không tìm hiểu ngành nghề, Dương đặt nguyện vọng theo xu hướng. Trong đó, hai nguyện vọng đầu vào các ngành nhóm Công nghệ thông tin và nguyện vọng 3 mới tới Kỹ thuật điều khiển - Tự động hóa. Cộng cả điểm ưu tiên khu vực, Dương vừa đủ đỗ.
"Mình đỗ đại học là cả nhà vừa mừng vừa lo. Mừng vì đỗ vào trường danh tiếng, lo vì không có tiền", Dương kể. "Bố mẹ đã gom góp hết tiền trong nhà, vay quỹ hỗ trợ của địa phương để mình đi học".
Tự bắt xe bus từ Bắc Ninh lên Hà Nội nhập trường, chọn ở ký túc xá với cơm 20.000 đồng một suất, Dương nghĩ phải học hành cẩn thận từ đầu để cơ hội việc làm khi ra trường rộng mở hơn.
Trước đó, giai đoạn ôn thi đại học với Dương vất vả nhất, có khi chỉ ngủ 4-5 tiếng một ngày. Dương cho rằng để vượt qua các môn học nổi tiếng khó nhằn của Bách khoa, cần giữ phong độ học tập như thế.
Kỳ đầu toàn môn đại cương, Dương luôn đọc bài trước khi đến lớp bởi thầy cô giảng và viết không ngừng nghỉ. "Nếu không đọc trước, chỉ cần lỡ một vài nhịp kiến thức trên lớp, có khi bị hổng kiến thức cả bài", Dương nói.
Phương pháp học này hiệu quả nên Dương áp dụng với tất cả môn học khác, kể cả các môn lý luận, xã hội. Ngoài ra, khi lên lớp, nam sinh luôn ngồi ở ba hàng đầu để nghe được bài giảng tốt nhất, hỏi ngay thầy cô khi có vấn đề thắc mắc. Sau mỗi buổi học, Dương tự hệ thống lại kiến thức, làm bài tập đầy đủ, đọc thêm các đầu sách tham khảo và tài liệu trên mạng.
Kết quả, Dương chinh phục mọi môn học từ đại cương đến chuyên ngành. Kỳ đầu tiên có điểm thấp nhất cũng ở mức 3.75. Nam sinh giành học bổng khuyến khích học tập 6 kỳ.
"Mình xác định cày để dùng học bổng chi trả học phí nên không có thời gian đi làm thêm. Giành học bổng cũng là cách tiết kiệm chi phí cho bố mẹ, lại nắm vững kiến thức. Đi làm thêm có thêm tiền nhưng có thể ảnh hưởng việc học", Dương nói. "Bạn bè cũng kêu mình chỉ biết cắm đầu vào học nhưng mình không thấy nuối tiếc".
Ngoài học tập, từ giữa năm ba, Dương tham gia nghiên cứu khoa học. Nam sinh đang viết bài báo thuộc lĩnh vực Điều khiển, dưới sự hướng dẫn của TS Đào Phương Nam, giảng viên khoa Tự động hóa, để gửi tới một tạp chí hạng Q1 (nhóm 10% tạp chí có uy tín cao trong một lĩnh vực).
Thầy Nam cho biết trong số các sinh viên thầy trực tiếp dẫn dắt, Dương không phải người giỏi nhất nhưng là thuộc diện chịu khó nhất.
"Phẩm chất này được phản ánh rõ nhất qua thành tích học tập mà bạn đạt được", thầy Nam nói.
Dương cũng thừa nhận luôn cầu toàn trong việc học, không bao giờ có tư tưởng bỏ bê môn, cũng không quan niệm "sinh viên Bách khoa thi lại 1-2 môn là chuyện thường".
Dù chưa có thành tích gì đáng kể về nghiên cứu, Dương cảm thấy may mắn vì việc này giúp bản thân tìm được hướng đi phù hợp. Sau thời gian thực tập 6 tháng ở một tập đoàn lớn, Dương càng chắc chắn là hợp làm nghiên cứu hơn.
Vì thế, Dương quyết định nộp hồ sơ xin học bổng du học bậc thạc sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) - trường top 56 thế giới, theo QS và đang chờ kết quả chính thức.
"Em chưa nghĩ được xa nhưng muốn học lên thạc sĩ, tiến sĩ trước khi đi làm", Dương nói.