Lê Nhật Hoàng, 22 tuổi, đạt điểm trung bình (GPA) 3,98/4. Xét toàn khóa 2019-2023, Hoàng thuộc top 3 toàn trường. Trong lễ tốt nghiệp được tổ chức vào cuối tuần này, chàng trai Hà Nội sẽ đại diện cho gần 1.800 tân cử nhân phát biểu.
"Việc trở thành thủ khoa ngành hay phát biểu trong lễ tốt nghiệp đều nằm ngoài mong đợi của mình", Hoàng nói.
Là cựu học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Hoàng được gia đình định hướng học ngành Dược. Nhưng khi đó, Hoàng nghĩ khác. Ưu tiên hàng đầu của cậu khi vào đại học là học thêm nhiều kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ, tăng trải nghiệm sống.
"Ngoại thương nhiều người giỏi. Ở một môi trường như vậy, mình biết sẽ có nhiều áp lực, nhưng cũng là động lực để cố gắng", Hoàng nói.
Nhập học, Hoàng tham gia Câu lạc bộ Nhà doanh nghiệp tương lai, thực tập tại Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo của trường. Vừa phải làm quen với các môn đại cương, vừa hoạt động ngoại khóa, Hoàng bối rối trong những tháng đầu. Tuy nhiên, sau một thời gian, Hoàng nhận thấy kiến thức, kỹ năng có được từ các hoạt động này giúp việc học hiệu quả.
"Câu lạc bộ giúp mình học cách quản lý thời gian, thuyết trình, làm việc nhóm, đều là những kỹ năng mềm mà hồi cấp 3 mình không có. Nhờ vậy, mình tự tin hơn, làm tốt bài tập", Hoàng nói.
Nam sinh cho rằng bốn năm đại học của mình có thể sẽ trôi qua "đều đều" như vậy, nếu không có một cú hích vào đầu năm thứ hai. Lúc đó, Hoàng đạt điểm B môn Viết luận nâng cao vì không làm tốt bài thi cuối kỳ, nên trượt học bổng của kỳ đó.
Hai học kỳ trước đạt toàn điểm A và nhận học bổng nên Hoàng thấy hụt hẫng. Điều này trở thành động lực, khiến cậu nghiêm túc đặt mục tiêu cho những môn tiếp theo.
Hoàng nghỉ làm thêm, giảm hoạt động câu lạc bộ và dành thời gian cho việc học. Theo Hoàng, những nội dung được thầy cô chia sẻ trên lớp đều là kiến thức quan trọng, đã được đúc kết ngắn gọn nhất. Do đó, nam sinh luôn ngồi bàn đầu để ghi chép thuận lợi, chú tâm nghe hiểu luôn trên lớp.
Nhờ vậy, việc ôn thi hết môn của Hoàng khá nhẹ nhàng. Cậu thường dành 3-5 ngày cho các môn đại cương, 2-3 ngày để ôn một môn chuyên ngành. Với những môn và bài tập khó, Hoàng học cùng vài người bạn để cùng giảng giải cho nhau.
"Kết quả là không chỉ mình, mà điểm cả nhóm cũng được cải thiện. Tất cả hầu hết được A trong mọi bài tập sau này", Hoàng nói.
Học chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại nên Hoàng học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Cậu cho biết không gặp rào cản ngôn ngữ do đầu vào trường đã yêu cầu sinh viên đạt trình độ tiếng Anh nhất định.
Theo Hoàng, học bằng tiếng Anh có nhiều ưu điểm. Nhiều thuật ngữ sẽ dễ nhớ, dễ hiểu hơn nếu được giữ nguyên bản thay vì dịch sang tiếng Việt. Chưa kể, Hoàng dễ dàng tìm đọc tài liệu quốc tế hay những bản cập nhật, điều chỉnh mới nhất mà không phải chờ dịch sang tiếng Việt.
Do chương trình liên kết với Đại học Colorado, Mỹ, Hoàng và bạn bè cũng được nhiều giáo sư từ đại học này giảng dạy. Nam sinh nói đây là cách tiếp cận với kiến thức được giảng dạy ở nước ngoài, giúp làm quen, thích nghi với môi trường quốc tế sau này.
TS Trần Thu Trang, giảng viên môn Marketing và Truyền thông, là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời hướng dẫn Hoàng làm khóa luận tốt nghiệp. Điều cô Trang ấn tượng nhất là Hoàng chọn đề tài về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Marketing. Theo cô, đây là đề tài còn mới ở Việt Nam, ít tài liệu tham khảo.
Tuy nhiên, Hoàng chủ động, tích cực, luôn lắng nghe các góp ý để chỉnh sửa. Cô Trang nhận xét nam sinh có khả năng tìm và phân tích số liệu tốt. Đây là điều hiếm sinh viên làm được, nên danh mục tài liệu tham khảo trong khóa luận của Hoàng dài gấp nhiều lần các bạn khác.
"Hoàng có thế mạnh về nghiên cứu và đã biết cách khai thác thế mạnh đó", cô Trang nói, cho biết học trò là đồng tác giả của một bài báo khoa học, được đăng trên tạp chí quốc tế về quản lý nông nghiệp bền vững (International Journal of Sustainable Agricultural Management and Informatics). Ngoài ra, nam sinh góp mặt trong nhiều nghiên cứu khác ở trường Đại học Ngoại thương.
Việc học khá suôn sẻ, nhưng Hoàng chưa có duyên với các cuộc thi. Cậu từng hy vọng lọt vào vòng chung kết hoặc top 5 trong các cuộc thi về khởi nghiệp, công nghệ tài chính nhưng thường chỉ vào đến top 10. Nam sinh nhìn nhận có thể mình chưa đủ kinh nghiệm, trong khi các đối thủ đều rất tài năng.
"Thời gian này, mình đang cân nhắc chọn một cuộc thi phù hợp để tham gia, đặt mục tiêu vào tới vòng cuối", Hoàng nói.
Một điều khác khiến Hoàng tiếc nuối là chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Ngoài trải nghiệm tại Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo, cậu từng làm toàn thời gian cho một công ty game có trụ sở tại Australia, thu nhập khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Dù vậy, thời gian làm việc không quá lâu.
Dù vậy, nhìn lại hành trình ở Đại học Ngoại thương, cậu nói đã nỗ lực và "có những năm tháng vô cùng đáng giá". Sau khi tốt nghiệp, Hoàng tranh thủ học thêm lập trình, tìm hiểu học bổng du học thạc sĩ ngành Phân tích dữ liệu.
Thanh Hằng