Việt Hùng nhận tin giành giải nhất thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 vào tối muộn 13/3. Nam sinh nói em và cả gia đình vỡ òa vì thành tích này.
"Em đi thi với mục tiêu đạt giải ba để vào thẳng đại học, việc đạt giải nhất khiến em không tin nổi", Hùng chia sẻ.
Việt Hùng là em ruột của Đinh Ngọc Hải và Đinh Ngọc Dũng - hai nam sinh từng giành giải nhất và nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm 2012. Đinh Ngọc Hải năm đó cũng là học sinh đầu tiên của tỉnh Hà Nam giành tấm huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế.

Đinh Việt Hùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Việt Hùng cho biết môn Lý đã dần ngấm vào người nhờ sự định hướng của bố từ năm lớp 8. "Ban đầu em học Toán nhưng bố gợi ý thử sang học Lý. Dần dần em đam mê môn này hơn và học một cách nghiêm túc", Hùng chia sẻ.
Cả hai anh trai đều là học sinh giỏi quốc gia nhưng Hùng nói không hề áp lực mà còn coi đó là động lực để học tập tốt hơn. Năm lớp 9, em gặt hái được thành công đầu tiên ở môn học này với giải ba cấp tỉnh.
Trong kỳ thi vào lớp 10 chuyên Lý trường THPT chuyên Biên Hòa năm 2019, Hùng giành ngôi thủ khoa với điểm môn chuyên 9,25/10. Nam sinh sau đó giành giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi môn Vật lý vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ rồi được gọi vào đội tuyển quốc gia của tỉnh Hà Nam.
Dù ôn đội tuyển, Hùng vẫn cố gắng hoàn thành hết bài tập của các môn khác trên lớp, dành trọn thời gian ở nhà cho môn Vật lý. Sau buổi ôn đội tuyển tại trường, về nhà Hùng thường ngồi học lại từ khoảng 19h30 đến 23h rồi đi ngủ, thỉnh thoảng em cũng có thể học từ 17h đến quá nửa đêm.
Đối với nam sinh Hà Nam, cảm hứng học tập rất quan trọng và khi học cần có động lực. "Em học nhiều quá nên cũng có những lúc em rất chán. Vậy là em sẽ bỏ vài buổi học để chơi, lấy lại tinh thần", Hùng nói, cho biết trong thời gian ôn thi không ít lần thức khuya để xem World Cup.
Theo Hùng, khi ôn đội tuyển quốc gia, em gặp không ít kiến thức khó, trong đó có cả một số nội dung nền tảng ở bậc đại học. "Lúc đầu học về Giao thoa ánh sáng, em không thể hiểu hiện tượng đó là gì", nam sinh ví dụ. Cách học của Hùng là hỏi thầy cô và tìm hiểu, xem đi xem lại nhiều tài liệu và bài giảng trên Youtube. Nhìn chung, Hùng đánh giá phần điện là phần khó nhất khi ôn thi quốc gia, khiến em phải dành nhiều thời gian và tâm sức.
Có hai người anh theo học chuyên Vật lý cũng là thuận lợi của Hùng khi em được giải đáp, hướng dẫn các câu hỏi khó. Thêm vào đó, bố mẹ Hùng không bao giờ đặt áp lực với các con nên em tự tin thể hiện bản thân.
"Bố mẹ em luôn động viên cố gắng được đến đâu thì đến. Vì vậy, em không hề có áp lực nào", nam sinh cho biết.
Khi làm bài thi, Hùng áp dụng chiến thuật "dễ làm trước, khó làm sau". Phần điện vẫn khiến nam sinh đau đầu khi rơi vào phần mạng tinh thể của phần tử. Hùng phải loay hoay mãi mới tìm ra cách giải. Rời khỏi phòng thi với nhiều băn khoăn, nhưng Hùng xác định phải cố gắng quên đi những lời giải, không tìm kiếm đáp án để giữ tinh thần thoải mái cho việc học tập tiếp theo.

Hùng (thứ hai hàng dưới, từ trái qua) cùng cô giáo Phạm Thị Trang Nhung và bạn bè trong đội tuyển Vật lý quốc gia của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Cô Phạm Thị Trang Nhung
Cô Phạm Thị Trang Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Biên Hòa, đánh giá Hùng là một học sinh tỉ mỉ, cẩn thận, phong cách giải bài tập rất chắc chắn.
"Không chỉ có Vật lý, giáo viên bộ môn khác đều ấn tượng với khả năng tập trung cao độ và sự siêng năng của Hùng", cô Nhung nói. Giải nhất của Hùng góp phần vào thành tích 6 giải nhất thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Hà Nam. Năm nay, tỉnh này lần đầu lọt top 5 cả nước về số giải nhất.
Anh Đinh Văn Điểu, bố của Hùng nói định hướng cả ba con theo học Vật lý từ nhỏ từ trải nghiệm của bản thân là một Kỹ sư xây dựng công trình.
"Các cháu học Toán tốt nhưng nếu chỉ học Toán thì rất khô khan, trong khi Toán sẽ được áp dụng vào Vật lý để giải quyết các vấn đề thực tế", anh Điểu nói. Bí quyết của anh là đồng hành và thúc đẩy tinh thần tự học của các con. Mặc dù định hướng sớm, anh không gây áp lực mà chỉ động viên các con cố gắng hết sức có thể.
Hai anh trai của Hùng là Ngọc Dũng và Ngọc Hải đang ở nước ngoài. Dũng làm nghiên cứu sinh Vật lý ở Nhật Bản, trong khi Hải làm trong một công ty công nghệ tại Singapore.
Hùng cho biết với giải quốc gia, việc ôn luyện cho kỳ xét tuyển đại học sắp tới với em sẽ nhẹ nhàng hơn. "Em sẽ đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin của Bách khoa hay Đại học Quốc gia Hà Nội", Hùng nói, cho biết mơ ước trở thành kỹ sư tại Google trong tương lai.
Doãn Hùng