Trong cuộc thi quý 3 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22, phát sóng ngày 26/6, Bùi Anh Đức (lớp 11 Anh, trường THPT chuyên Sơn La) đã giành vòng nguyệt quế sau khi vượt qua bốn phần thi và câu hỏi phụ phân định thắng thua. Chiến thắng nghẹt thở này giúp Anh Đức trở thành học sinh đầu tiên của tỉnh Sơn La góp mặt trong trận chung kết Olympia sau 21 năm chương trình phát sóng.
Ngay từ lớp 1, khi theo dõi Olympia cùng người thân, Đức ấn tượng với chiếc áo đồng phục mà các thí sinh mặc. Lớn hơn, em nhận thấy mình bắt đầu trả lời được nhiều câu hỏi trong chương trình và "cũng muốn một ngày được đứng trên sân khấu Olympia".
Theo quy định của năm thứ 22, mỗi trường THPT chỉ được giới thiệu một học sinh tham dự. Do đó, để trở thành đại diện duy nhất của trường chuyên Sơn La, khoảng 10 học sinh có nguyện vọng dự thi phải làm một bài kiểm tra trắc nghiệm 40 câu, sau đó vượt qua vòng phỏng vấn với các thầy, cô trong trường. "Vòng tuyển chọn cấp trường không quá căng thẳng, nhưng những bạn đăng ký đều có tài năng nên em không nghĩ mình được chọn", Đức nhớ lại.
Trong khoảng nửa năm từ khi nhận giấy mời tham dự chương trình tới ngày ghi hình chính thức, Đức giữ tinh thần thoải mái, không sốt ruột. Ngoài giờ học trên lớp, em dành thời gian xem thời sự, đọc sách và tham gia một số trận đấu tập trực tuyến. Là học sinh chuyên tiếng Anh, nam sinh xác định thế mạnh của mình là ngoại ngữ và các môn xã hội. Đổi lại, Đức tự đánh giá mình không mạnh tự nhiên. Vì vậy khi ôn luyện, em cũng đặc biệt chú ý tới việc cải thiện khả năng tư duy, tính toán và áp dụng các công thức Toán học, Vật lý.
Đến với Olympia, mục tiêu ban đầu của nam sinh Sơn La chỉ là "vào được vòng tháng là tốt rồi". Vì không đặt nặng thành tích, Đức thường tiếp cận cuộc chơi với tinh thần thoải mái. Nhưng chính điều này lại giúp em liên tiếp đạt kết quả tốt, dù mỗi trận đấu đều không dễ dàng.
Với Đức, hai khoảnh khắc đáng nhớ, mang tới bước ngoặc lớn cho hành trình của em tại Olympia cũng là những giây phút khó khăn nhất với cậu học trò sinh năm 2005. Tại vòng thi tháng, Đức đã nhấn chuông xin giải một câu hỏi thực hành Vật lý trị giá 30 điểm sau khi thí sinh chọn gói câu hỏi đó không trả lời đúng. Câu hỏi thực hành của phần thi Về đích luôn là thử thách khiến các thí sinh "ngán" nhất, bởi độ khó và ít ai có thể trả lời đúng.
Đức cũng không nằm ngoài số đó, tuy nhiên lúc này, em có 150 điểm, chắc chắn không giành vòng nguyệt quế của trận tháng, nhưng vẫn có cơ hội đi tiếp nếu đạt điểm cao. "Sau khi nghe câu hỏi, em nhớ đây là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và mình có thể làm được. Em không còn gì để mất nên dù các môn tự nhiên không phải thế mạnh, em vẫn thử sức", Đức kể. Nhờ quyết định này, nam sinh giành thêm 30 điểm, "lách qua khe cửa hẹp" để góp mặt trong trận thi quý với tư cách thí sinh về nhì có điểm cao nhất (180).
Khoảnh khắc đáng nhớ còn lại của Đức chính là lúc em nhanh hơn đối thủ trong tích tắc, nhấn chuông giành quyền trả lời câu hỏi phụ quyết định thắng bại ở cuộc thi quý. Theo Đức, em có phần may mắn bởi câu hỏi quyết định thuộc lĩnh vực Lịch sử - vốn là thế mạnh và nam sinh đã cải thiện được tốc độ bấm chuông trong giây phút quyết định. Khi người dẫn chương trình công bố đáp án đúng và chúc mừng chiến thắng của Anh Đức, em hít một hơi thật sâu, "bỗng thấy ước mơ tham dự Olympia của 11 năm trước có thể đưa mình đi xa đến vậy".
Theo dõi trận thi quý trực tiếp tại trường quay, cô Hoàng Thị Hằng Nga, giáo viên Tiếng Anh và là chủ nhiệm của Anh Đức, không thể quên giây phút vỡ òa khi học trò được xướng tên là người thắng cuộc. "Kết quả cuộc thi khiến tôi phải nín thở chờ đợi. Tôi rất tự hào về Đức", cô Nga chia sẻ.
Cô giáo đánh giá cậu học trò luôn tự giác, chủ động và học giỏi đều các môn. Em còn là học sinh đầu tiên có thể vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh của tỉnh Sơn La ngay từ lớp 10, sau đó giành giải ba. Dù không làm cán sự lớp, Đức luôn quan tâm, lo lắng cho bạn bè và những công việc tập thể. Cô nhận định học trò có vốn hiểu biết về Lịch sử, nhưng cần tích lũy thêm kiến thức trong lĩnh vực hiểu biết chung và các vấn đề, sự kiện thời sự.
Trong các thí sinh từng dự thi Olympia, Anh Đức ấn tượng với lối chơi hết mình, sự khiêm tốn, hài hước của Phan Đăng Nhật Minh (quán quân Olympia năm thứ 17); sự đáng gờm và chớp thời cơ để tỏa sáng đúng lúc của Nguyễn Hoàng Khánh (quán quân năm 21). Hai đàn anh có điểm chung là sự bình tĩnh, bản lĩnh và lỳ lợm, điều mà Anh Đức cho rằng mình cần học hỏi.
Theo kế hoạch, trận chung kết Olympia được truyền hình trực tiếp vào sáng 2/10. Hiện, ba trong số bốn "nhà leo núi" đã lộ diện. Anh Đức là thí sinh nhất quý 3, trước đó Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) cũng đã giành suất vào cuộc thi quan trọng nhất.
Về hai đối thủ, nam sinh chuyên Sơn La đánh giá Vũ có thế mạnh tốc độ khi từng giành điểm tuyệt đối trong phần thi Tăng tốc; còn Tùng luôn giữ một phong độ ổn định, có thể bứt phá trong phần Về đích. Tự đánh giá, Anh Đức cho rằng mình có thế mạnh về kiến thức các môn xã hội, sự kiên trì không bỏ cuộc. Em cần cải thiện phần thực hành các môn tự nhiên, rèn sự tập trung và chuẩn bị tâm lý vững vàng.
"Em đã nghĩ về trường hợp mình về chót trong trận chung kết, nhưng em thấy rằng không có gì phải xấu hổ nếu kịch bản xấu nhất xảy ra. Đôi lúc em vẫn giật mình, nhận ra mình đã đi một chặng đường xa đến mức chưa từng nghĩ đến. Vậy tại sao không đi tiếp để làm nên kỳ tích trong trận đấu cuối cùng?", Đức nói.
Thanh Hằng