Chiều 4/5, em Mai Nhật Anh (trường THPT chuyên Phan Bội Châu) cùng thầy giáo Mai Văn Quyền cho hay, đã nhận được phản hồi của Đại sứ quán Mỹ hẹn 8h15 ngày 8/5 phỏng vấn lần thứ ba để cấp visa sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) diễn ra ngày 12-20/5.
Mai Nhật Anh và thầy Mai Văn Quyền chia sẻ về cuộc thi.
"Em luôn sẵn sàng tâm lý và kiến thức để trả lời phỏng vấn", Nhật Anh nói. Nam sinh cho hay, tại lần phỏng vấn thứ hai hôm 2/5, em được hỏi các câu: Sang Mỹ để làm gì? Vai trò tham dự là gì? Bạn ở lại Mỹ bao nhiêu ngày? Bạn đã bao giờ đến Mỹ chưa? Bố mẹ làm nghề gì?
Được đăng ký phỏng vấn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, song tự tin với kiến thức của mình nên Nhật Anh trả lời bằng tiếng Anh. "Thời gian phỏng vấn chỉ hơn một phút. Sau khi em trả lời rành mạch các câu hỏi thì giám khảo nói Hồ sơ em là quan sát viên, vậy tại sao lại khai em là thí sinh tham dự và lập tức thông báo bị từ chối", Nhật Anh kể.
Theo nam sinh, ngoài hai thầy trò, một bạn quan sát viên của đoàn Nghệ An là Nguyễn Đức Anh cũng bị từ chối. Vì vậy, Nhật Anh cho rằng Ban giám khảo đã nhầm lẫn hồ sơ của bạn quan sát viên với thí sinh tham dự.
Hai lần bị từ chối cấp visa khiến tâm trạng có chút lo lắng và buồn, nhưng những ngày qua Nhật Anh vẫn cùng bạn Phùng Văn Long và thầy giáo hướng dẫn luyện thuyết trình và tự đặt câu hỏi để trả lời.
Thầy Mai Văn Quyền đánh giá, chỉ sau hai ngày đăng ký thủ tục phỏng vấn lần ba, Đại sứ quán Mỹ đã sắp xếp lịch như vậy là "rất tích cực". Thầy Quyền cũng cho hay bản thân tự tin sẽ cùng học trò đạt kết quả trong lần tiếp theo này.
Hai nam sinh cùng thầy Quyền chiều 4/5 đã ra tới Hà Nội để ôn luyện, chuẩn bị cho cuộc thi Intel ISEF. Giáo viên Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phụ đạo cho ba thầy trò.
Trước đó trong lần phỏng vấn thứ hai ngày 2/5, họcsinh Mai Nhật Anh và giáo viên hướng dẫn Mai Văn Quyền (tỉnh Nghệ An) bị khước từ visa.
Phản hồi với VnExpress, ông Pope Thrower, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, Điều 222(f) Luật Di trú và Quốc tịch Mỹ (INA) không cho phép tiết lộ thông tin từ hồ sơ visa, bao gồm cơ sở cho việc cấp hay từ chối, cho bất kỳ người nào, ngoại trừ đương đơn.
Về visa nói chung, ông Pope Thrower cho biết luật pháp Mỹ đưa ra nhiều tiêu chuẩn, theo đó một hồ sơ có thể bị từ chối. Lý do là đương đơn không đáp ứng yêu cầu cho loại visa mà họ đăng ký, hoặc thông tin qua xem xét cho thấy đương đơn nằm trong phạm vi theo quy định pháp luật là không được chấp nhận, hay không đáp ứng yêu cầu. Nếu có thông tin bổ sung, hoặc có thay đổi đáng kể về hoàn cảnh kể từ lần nộp hồ sơ gần nhất, đương đơn có thể nộp lại hồ sơ visa...
Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã gửi email cho Đại sứ quán Mỹ đề nghị hỗ trợ phỏng vấn lần ba học sinh Mai Anh và thầy Quyền. Vụ Giáo dục trung học đồng thời gửi email cho Ban tổ chức cuộc thi Intel ISEF nhờ can thiệp.
Phùng Văn Long thuyết trình về dự án.
Intel ISEF là hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12), được tổ chức tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 1.500 học sinh trung học từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Intel ISEF trao hơn 600 giải cá nhân và đội thi đấu với tổng giá trị lên đến 4 triệu đôla Mỹ. Dự án hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển của học sinh Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) do thầy Mai Văn Quyền hướng dẫn là một trong tám dự án của Việt Nam tham dự lần này. |