Chiều 2/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, em Mai Nhật Anh (trường THPT chuyên Phan Bội Châu) cùng thầy giáo Mai Văn Quyền có thể mất cơ hội sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học và kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh phổ thông (Intel ISEF) do không được cấp visa.
Đề tài Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển do hai em Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh sáng chế với sự hướng dẫn của thầy Mai Văn Quyền đã giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực miền Bắc, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hồi tháng 3/2018.
Sáng chế của hai nam sinh Nghệ An cùng 7 đề tài khác được lựa chọn tham dự cuộc thi Intel ISEF tổ chức hàng năm ở Mỹ.
Phùng Văn Long chia sẻ về mô hình.
Ngày 16/4, trong lần phỏng vấn thứ nhất, Đại sứ quán Mỹ chỉ đồng ý cấp visa cho Phùng Văn Long và hai quan sát viên của đoàn Nghệ An. Sáng 2/5, trong vòng phỏng vấn tiếp theo, em Nhật Anh và thầy Quyền vẫn bị từ chối cấp visa.
"Tôi và học sinh bị từ chối đều không biết lý do vì Đại sứ quán không giải thích", thầy Quyền nói và cho biết sẽ tiếp tục làm thủ tục để chờ cơ hội được phỏng vấn lần thứ ba.
Tuy nhiên, theo lịch vào ngày 11/5, đoàn phải lên đường sang Mỹ và ngày 13/5 tham dự cuộc thi. Vì vậy, với việc đợi lịch phỏng vấn lần ba, hai thầy trò có thể không kịp, hai nam sinh người Nghệ An sẽ mất cơ hội...
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An cho hay, hai học sinh và thầy giáo hướng dẫn đã bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu. Đây cũng là lần đầu Nghệ An có đề tài được đi tham dự, nếu lỡ hẹn sẽ rất tiếc.
"Sở sẽ đề xuất với Bộ Giáo dục về việc này nhằm tìm cách giải quyết hợp lý", ông Hoàn nói.
Một năm trước, em Phạm Huy ở trường THPT Quảng Trị cũng bị từ chối cấp visa sau hai vòng phỏng vấn. Tới lần thứ ba, Huy mới được cấp visa. Kết quả cánh tay robot cho người khuyết tật của Phạm Huy giành giải ba cuộc thi Intel ISEF.
Intel ISEF là hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12), được tổ chức tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 1.500 học sinh trung học từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Intel ISEF được xem là giải "Nobel nhí" nhờ ý nghĩa và sức lan tỏa trong cộng đồng học sinh. Hàng năm, Intel ISEF trao hơn 600 giải cá nhân và đội thi đấu với tổng giá trị lên đến 4 triệu đôla Mỹ. |