Bảo Khánh là học sinh lớp 7A3, trường TH, THCS và THPT FPT cơ sở Hà Nam. Ở vòng chung kết, nam sinh "quét sạch" đề thi Tin học, bảng dành cho học sinh khối 6-7-8 với thời gian 32 phút. Theo thể lệ, bài thi gồm 30 câu hỏi về lập trình sử dụng ngôn ngữ Python trong 60 phút, mỗi câu 3 điểm.
Xếp sau Khánh là hai học sinh đến từ Indonesia và Romania, cũng đạt 90 điểm nhưng mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, Khánh thi thêm môn Toán, giành giải khuyến khích ở bảng dành cho học sinh lớp 6-8.
"Trước khi thi, em đã tự tin mình sẽ 'phá đảo'. Người đầu tiên em khoe kết quả là mẹ", Bảo Khánh nói. Dù lần đầu thi quốc tế, em nói không hồi hộp, coi đây như một buổi làm bài tập về nhà.
Olympic STEM quốc tế do một tổ chức giáo dục ở Đức tổ chức, dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, cuộc thi do Hội Vật lý chủ trì và tuyển chọn.
Vòng chung kết năm nay có hơn 600 thí sinh từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở các môn Tin học, Toán học, Khoa học và Công nghệ kỹ thuật. Đoàn Việt Nam có 31 học sinh, giành 40 huy chương ở ba môn (trừ môn Công nghệ).
Bảo Khánh bắt đầu mày mò Tin học từ năm lớp hai, khi phải học trực tuyến vì dịch Covid-19. Những lúc mở ứng dụng Zoom để học, em thường tìm cách đổi tên, thay phông nền. Lớn hơn, Khánh tìm hiểu cách sửa lỗi vặt trên máy tính về bật tắt nguồn, kết nối mạng và các thiết bị ngoại vi.
"Em thích mày mò, khám phá các chức năng vốn ít động đến khi sử dụng thông thường", Khánh kể.
Khi học lớp 7, được tiếp xúc với môn STEM (môn học trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại trường, Bảo Khánh thấy thú vị. Em hào hứng mỗi lần làm bài tập, sử dụng ngôn ngữ lập trình như Scratch, Blocks và Python. Khánh ví dụ, trong dự án "Quả táo rơi", em được hướng dẫn viết những câu lệnh ngắn để quả táo trên cây rơi đúng vào chiếc rổ theo yêu cầu của bài.
Tháng 10 năm ngoái, khi biết tin về cuộc thi Olympic STEM quốc tế, Khánh xin tham gia đội tuyển. Em luôn làm đủ bài tập thầy cô giao, đồng thời tự tìm hiểu thêm các ứng dụng của ngôn ngữ lập trình Python trên mạng. Nam sinh cũng tham khảo bộ 315 thử thách lập trình do ban tổ chức biên soạn, dành nhiều giờ nghiên cứu các thuật ngữ bằng tiếng Anh và dịch ra tiếng Việt.
Khánh sau đó phải thi vòng loại, bằng hình thức trực tuyến, với số câu hỏi và thời gian làm bài tương tự đề thi chung kết. Em trả lời đúng 15/30 câu, thuộc top đầu và giành một suất vào đội thi quốc tế. Để vững kiến thức và tăng cọ xát, em tham dự hai lần tuyển chọn tiếp theo, lần lượt đúng 19 và 30 câu.
Hai tháng trước vòng chung kết ở Hà Lan, Khánh "nghỉ hè nhưng không nghỉ". Mỗi ngày, em dành khoảng ba tiếng, chia đều các buổi, để học theo hướng dẫn của thầy cô và tự ôn ở nhà. Nam sinh cũng làm lại bộ tài liệu về ngôn ngữ lập trình Python của ban tổ chức.
"Em làm nhiều đến mức khi gặp câu hỏi tương tự trong đề thi, em nghĩ ra ngay cách giải", Khánh nói.
Khánh cho biết đã ôn kỹ phần truy vấn, thường xuất hiện ở 2-3 câu trong đề thi, yêu cầu thí sinh viết câu lệnh nhằm lấy dữ liệu từ một cơ sở dữ liệu có sẵn. Theo nam sinh, phần khó nhất trong đề thi là các câu hỏi về kiểu dữ liệu Dictionary, áp dụng trong bài toán phân biệt màu sắc và đếm số màu nhiều nhất trong một hộp bi bất kỳ.
Thầy Đỗ Bảo Châu, tổ trưởng tổ STEM tại trường của Khánh, đánh giá cao học trò ở thái độ và phương pháp học tập chủ động.
"Giành vị trí số 1 thế giới ở môn Tin học thể hiện nỗ lực rất lớn của Bảo Khánh. Đây là nền tảng để bạn ấy vững bước trên con đường chinh phục đam mê Tin học trước mắt và ngành Công nghệ thông tin trong tương lai", thầy nói.
Phương Anh - Doãn Hùng