Mai Tuấn Anh tốt nghiệp thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, với điểm trung bình (GPA) 3,7/4. Trước đó, chàng trai Hải Phòng cũng là thủ khoa đầu vào với 25,5 điểm. Hiện Tuấn Anh là giáo viên Văn của một trường song ngữ quốc tế ở Hà Nội.
Ngoài giờ dạy ở trường, buổi tối Tuấn Anh còn dạy thêm ở trung tâm hoặc ôn thi Văn cho học sinh vào lớp 10 để có thêm thu nhập.
"Một ngày của tôi thông thường kết thúc vào 21h", thầy giáo 22 tuổi, chia sẻ.
Tuấn Anh cho biết một tháng qua chủ yếu tập huấn, bổ trợ kỹ năng và làm quen với học sinh. Tân thủ khoa tốt nghiệp được giao làm trưởng khối 7, 8 môn ngữ Văn và phó chủ nhiệm lớp. Thầy giáo trẻ thừa nhận "nhiều bỡ ngỡ" vì những kiến thức học trên trường hay đi thực tập đậm lý thuyết. Mô hình trường quốc tế cũng khác những trường công Tuấn Anh từng thực tập.
"Tôi có sự năng động nhưng thiếu kinh nghiệm", Tuấn Anh nói.
Khi trở thành thầy giáo, Tuấn Anh chú ý hơn tới lời nói, thay đổi vẻ bề ngoài để trông chững chạc hơn, tạo sự tin tưởng ở học sinh.
Tuấn Anh kể buổi đầu tiên lên lớp dạy khối 7 khá run. Bước vào lớp, Tuấn Anh thấy học sinh xôn xao "thầy trẻ thế", "thầy là giáo viên mới à?". Trước đó, nhiều học sinh đã tìm hiểu thông tin về Tuấn Anh qua trang cá nhân. Tuy nhiên do mới tiếp xúc, một số em rụt rè, không muốn chia sẻ.
Thầy giáo trẻ muốn tìm hiểu sở thích, suy nghĩ của học trò, từ đó thiết kế bài giảng cho phù hợp với tâm lý. Vì thế, Tuấn Anh tổ chức nhiều hoạt động và trò chơi. Chẳng hạn, học sinh được viết thiệp, chia sẻ về mục tiêu hay kỳ vọng của mình với môn Văn.
"Có học sinh kể trong thiệp rằng ngại giao tiếp, nhút nhát nên mong thầy không gọi con nhiều trong lớp", Tuấn Anh chia sẻ.
Để bài giảng đầu tiên gây ấn tượng tốt với học trò, Tuấn Anh dành hai tuần nghĩ ý tưởng và chuẩn bị giáo án. Trước hôm đi dạy, thầy giáo vẫn ngồi chỉnh sửa bài giảng. Theo Tuấn Anh, hoạt động của môn ngữ Văn càng đơn giản, chân thành càng chạm đến cảm xúc của học sinh. Ngoài ra, Tuấn Anh chăm chút cho hình ảnh, video trong bài giảng.
Nhờ kiến thức vững, kinh nghiệm dạy thêm nhiều và được đồng nghiệp hỗ trợ, Tuấn Anh dần quen với công việc và hài lòng với lựa chọn của mình.
Chàng trai Hải Phòng chọn học Sư phạm Văn vì trong các môn học, đây là thế mạnh, cũng là niềm đam mê của mình. Từ nhỏ, Tuấn Anh ngưỡng mộ hình ảnh của các thầy cô trên bục giảng. Lên cấp hai gặp được cô giáo dạy Văn tâm huyết, nam sinh thêm yêu môn này. Cô cũng là người phát hiện ra khả năng học Văn của Tuấn Anh và luôn khen ngợi, động viên.
Tuy nhiên khi quyết định thi đại học ngành Sư phạm Ngữ văn, Tuấn Anh vấp phải sự phản đối của gia đình vì lo nghề này lương thấp và khó xin việc. Thấy Tuấn Anh quyết tâm, bố mẹ cuối cùng đành chấp nhận.
Trúng tuyển vào ngành với điểm số cao nhất nhưng học kỳ đầu, Tuấn Anh chủ quan nên kết quả học tập đứng gần cuối lớp. Hai năm đầu chưa có định hướng cho bản thân, em mải mê tham gia các hoạt động phong trào. Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, phải học online, Tuấn Anh nhận ra các hoạt động có thể bị đóng băng nhưng việc học không bao giờ ngừng.
Tuấn Anh đặt ra lộ trình và chiến lược học tập cụ thể. Thay vì dồn 30 tín chỉ một kỳ, Tuấn Anh chia đều mỗi kỳ 21-22 tín chỉ. Với từng môn học, Tuấn Anh hỏi kinh nghiệm của người đi trước xem môn này nên học như thế nào, lộ trình ra sao.
Tuấn Anh nói không học quá nhiều mà lựa chọn kiến thức trọng tâm có thể áp dụng được cho việc đi dạy. Ngoài những tài liệu bắt buộc, nam sinh cũng chọn đọc 1-2 cuốn tham khảo trong danh sách giảng viên đưa ra.
"Tôi học chăm hơn, có hôm 4-5h mới ngủ để 8h đi thi. Khi có mục tiêu rồi, tôi học không thấy mệt nữa", Tuấn Anh nói.
Cô Phạm Thị Thanh Phượng, giảng viên khoa Sư phạm Ngữ Văn, ấn tượng với Tuấn Anh ở sự sáng tạo trong các hoạt động nhóm từ năm đầu. Năm thứ tư trở lại dạy môn chuyên ngành, cô Phượng càng quý mến học trò vì sự chủ động và biết cách xử lý các tình huống trong lớp.
"Tuấn Anh rất chỉn chu, có tâm và yêu nghề. Khả năng thuyết trình của bạn ấy cũng tốt", cô Phượng nhận xét.
Cô Phượng nói nhận thấy ở học trò có sự cầu toàn và tâm huyết. Trong khóa luận tốt nghiệp, sinh viên chỉ cần thống kê các đề mục trong file word nhưng Tuấn Anh bổ sung biểu bảng, hình ảnh in màu bắt mắt.
Với tinh thần học tập nghiêm túc, Tuấn Anh nhận 5/8 kỳ học bổng cùng bằng khen của hiệu trưởng Đại học Giáo dục và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa.
"Bố mẹ rất tự hào, còn tôi vui vì đạt được mục tiêu. Tôi đã chứng minh cho mọi người thấy đó là lựa chọn đúng", Tuấn Anh nói, cho biết khi công việc ổn định sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ.
Bình Minh