Nguyễn Minh Triết, lớp 11 Lý, trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế, giành chiến thắng thuyết phục trong trận quý II, chương trình Đường lên đỉnh Olympia, phát sóng hôm 2/4. Giây phút biết mình góp mặt trong trận chung kết, Triết khóc.
"Bấm chuông rồi trả lời đúng, giành điểm quyết định nên cảm xúc của em dâng trào. Olympia là giấc mơ của em từ lâu, cũng là sân chơi mà em khát khao giành chiến thắng", Triết nói.
Olympia dành cho học sinh lớp 11, nên từ khi bước vào THPT, nam sinh bắt đầu tìm hiểu các câu hỏi, đọc lại kiến thức các môn.
Theo quy định, mỗi trường THPT chỉ được giới thiệu một thí sinh. Do đó, để là đại diện của chuyên Quốc học, Minh Triết đã vượt qua nhiều vòng thi, là quán quân của cuộc thi Nguyệt Quế Đỏ cấp trường, mô phỏng giống các trận đấu Olympia chính thức. Ngày nhận được lời mời ghi hình, Minh Triết đã đặt mục tiêu vào trận chung kết, nghĩa là giành chiến thắng trong ba cuộc thi tuần, tháng và quý.
Lịch phát sóng xa nhau nhưng thực tế ba trận đấu của Minh Triết được ghi hình trong bốn ngày. Vì vậy, mỗi khi vượt qua một trận, Minh không giữ suy nghĩ mình là người chiến thắng, bởi mục tiêu vẫn chưa thực hiện được và cần tập trung chuẩn bị luôn cho trận tiếp theo. "Tâm lý này giúp em bình tĩnh, luôn hướng về phía trước, không nản chí dù có lúc bị dẫn điểm", Triết nói.
Chàng trai Huế cho rằng mình có thế mạnh ở các câu hỏi về thể thao, nghệ thuật, âm nhạc và kiến thức xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong từng phần thi mà Triết trải qua, em hiếm khi bỏ lỡ các câu hỏi thuộc những lĩnh vực này. Người dẫn chương trình cũng nhận xét Triết có khối lượng kiến thức đáng nể. Ngược lại, Triết đánh giá điểm yếu của mình là Hóa học. Em cũng mất 20 điểm với câu Hóa học trong gói Về đích của trận tháng.
Với nam sinh Quốc học Huế, phần Khởi động của vòng thi tuần là trận đấu khó khăn nhất do em chưa quen với thao tác máy tính và không khí trường quay. Phần này có ba lượt chơi với số câu hỏi lần lượt 8, 12 đến 16, độ khó cũng tăng dần. Nếu trả lời đúng, thí sinh được 10 điểm, sai bị trừ 5 điểm. Nhiều câu hỏi Triết biết đáp án, nhưng không thể giành quyền trả lời vì em "bấm chuông liên tục, nhưng hệ thống không ghi nhận tín hiệu".
Sau phần chơi, Triết hỏi ban tổ chức, liệu máy của em có gặp trục trặc hay không và được giải thích phần mềm bắt đầu nhận tín hiệu khi hệ thống mở. Nhận ra cần bấm chuông đúng lúc thay vì liên tục, Triết rút kinh nghiệm trong hai trận tháng và quý. "Em không vội vàng như trận tuần mà căn thời điểm mở chuông, dồn lực và tốc độ để giành quyền trả lời", Triết kể.
Cách này của Minh Triết mang lại hiệu quả rõ rệt. Điểm Khởi động của nam sinh trong hai trận tháng và quý lần lượt 135 và 90, cao hơn đáng kể so với điểm 70 của thi tuần. Nam sinh Huế cho biết Khởi động cũng là phần thi em thích nhất, vì có khả năng đọc nhanh. Khi làm tốt phần thi đầu tiên, Triết cũng có tâm lý thoải mái để chơi tốt các phần sau.
Khoảnh khắc ý nghĩa nhất với Triết là ở trận thi quý, khi em trả lời "Nguyễn An Ninh", giành 30 điểm với câu hỏi tác giả của bài chính luận "Tiếng mẹ đẻ - Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức" trong gói Về đích của thí sinh khác. Thời điểm đó, Triết đang dẫn đầu với khoảng cách 40 điểm với người thứ hai. Với việc giành thêm 30 điểm, Triết nới khoảng cách lên 70, trong khi chỉ còn hai câu hỏi với tổng 60 điểm.
Triết kể, sau khi được công nhận đáp án, biết mình chắc chắn góp mặt trong trận chung kết nên em đã khóc. "Em đã thực hiện được mục tiêu ban đầu của mình, đó là góp mặt trong trận chung kết, mang cầu truyền hình trực tiếp trở lại Huế sau 7 năm", Triết nói.
Còn khoảng 6 tháng trước khi chơi trận quan trọng nhất, Triết cho biết sẽ nghiên cứu vài trận chung kết gần đây, duy trì thói quen đọc báo và xem tin tức để bổ sung kiến thức xã hội, cải thiện khả năng tiếng Anh. Em cũng sẽ nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô, anh chị để ôn luyện hiệu quả hơn. Nhưng để cân bằng, Triết vẫn duy trì sở thích nghe nhạc, đọc sách và gặp gỡ bạn bè.
Thầy Hoàng Lĩnh, giáo viên chủ nhiệm của Minh Triết tại trường chuyên Quốc học, cho biết từ khi vào lớp 10, Triết đã gây ấn tượng vì ghi nhớ tốt, thích tìm hiểu kiến thức mới và luôn cầu tiến trong học tập. Em học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là Vật lý. Ban đầu, thầy Lĩnh định hướng dẫn Triết vào đội tuyển học sinh giỏi Vật lý, nhưng khi học trò thi Olympia cấp trường, thầy đánh giá em có kiến thức xã hội rộng, phù hợp với sân chơi này.
Dù không làm cán sự lớp, nam sinh tích cực tham gia hoạt động phong trào, thích bóng đá, văn nghệ.
Trước Minh Triết, một thí sinh khác đã ghi tên mình vào trận chung kết Olympia là Nguyễn Việt Thành, trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội. Triết nhận định Thành thi đấu bình tĩnh, lạnh lùng, là ứng viên nặng ký cho chức vô địch. Về phía Việt Thành, em cũng đánh giá cao kiến thức của Minh Triết, nói Triết có phản xạ nhạy bén, chơi chắc chắn, cẩn thận.
Quá trình luyện tập và tham gia Olympia giúp Triết quen được bạn bè khắp cả nước. Em cũng được thầy cô và lớp ủng hộ, cổ vũ hết mình. Nam sinh cho rằng đây là điều lớn nhất mà em nhận được.
"Olympia là cơ hội để em phát triển tiềm năng của bản thân, cũng là trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh", Triết nói.
Thanh Hằng