Lộc Văn Đàn, 23 tuổi, đang học năm đầu thạc sĩ ngành Thương mại quốc tế, Đại học Tài chính Kinh tế Trung Ương ở Bắc Kinh. Trước đó, Đàn tốt nghiệp Đại học Quý Châu, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, năm 2021. Cả hai lần du học, chàng trai dân tộc Thái ở tỉnh Nghệ An đều giành được học bổng toàn phần.
Đàn vừa trở lại Trung Quốc hồi tháng 10, sau thời gian dài phải học và tốt nghiệp online vì dịch bệnh. Để sang được Trung Quốc, Đàn tốn hơn 50 triệu đồng, qua ba lần cách ly tại Việt Nam, Hàng Châu và Bắc Kinh trong 27 ngày. Dù đã sang tới nơi, thời gian qua Đàn vẫn phải học online do các sinh viên quốc tế khác chưa sang được.
Đàn sinh ra trong gia đình có bốn anh chị em ở xã Mậu Đức, huyện Con Cuông. Mãi lớp 3, em mới nói sõi tiếng phổ thông. Ở xã Mậu Đức, tỷ lệ học sinh học hết lớp 12 không nhiều. Đàn và một người bạn cùng lứa là những người hiếm hoi đi học cấp ba. Khác với bạn chọn học trường huyện, Đàn thi vào trường dân tộc nội trú ở thành phố Vinh, cách nhà 120 km.
"Đó là lần đầu tiên em đến một thành phố lớn như thế. Em đã nghĩ sẽ không bao giờ dừng lại ở thành phố này. Em muốn đến một nơi xa hơn", Đàn kể.
Nam sinh bắt đầu tìm thông tin du học Trung Quốc năm lớp 12, sau lần tình cờ nhìn thấy bức ảnh hoa anh đào và những bức thành cổ ở thành phố Nam Kinh trên mạng. Đàn sau đó tự tìm hiểu và xin được học bổng bán phần một năm học tiếng tại Đại học Dược Trung Quốc ở Nam Kinh.
Hôm nhận được giấy báo, trong bữa cơm tối, Đàn mới nói với bố mẹ. Bố mẹ quyết định bán hai con trâu là tài sản giá trị trong nhà, cùng với chút tiền tiết kiệm, gom được 80 triệu đồng cho Đàn đi học.
Chàng trai 23 tuổi cho hay động lực thôi thúc em bước ra thế giới chính là sự hiếu kỳ. Bố mẹ không được học nhiều nên thay vì để gia đình định hướng, em thường dựa vào nhận biết của bản thân để giải thích cho bố mẹ hiểu hơn.
Tháng 9/2016, Đàn lên đường sang Nam Kinh học với vốn tiếng Trung chưa có gì. Ngoài giờ lên lớp, Đàn thường xuyên đến công viên làm quen với người dân bản địa. Em được họ dạy ngôn ngữ, văn hóa, thậm chí được mời về nhà ăn cơm. Với cách học này, tiếng Trung của Đàn tiến bộ rõ rệt.
Tuy nhiên, Đàn gặp phải khó khăn về kinh tế. Ban đầu, em nghĩ có thể vừa học vừa làm để trang trải sinh hoạt phí nhưng sang Trung Quốc mới biết du học sinh không được đi làm thêm. Mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm, Đàn cũng tốn 5-6 triệu đồng. Với gia đình em ở Nghệ An, số tiền đó rất lớn.
Không có tiền sinh hoạt, lại không thể gọi điện về xin bố mẹ, Đàn liều đi làm tại một quán ăn và bị bắt. 12 tiếng tạm giam ở sở cảnh sát, Đàn hoang mang, lo bị trục xuất. "Đó là thời điểm khó khăn nhất của em", Đàn kể.
Sau khi được chủ quán bảo lãnh, Đàn lao vào học để có chứng chỉ tiếng Trung HSK cao rồi ứng tuyển học bổng đại học. Với HSK 5, điểm trung bình cấp 3 đạt 8,6 và bản kế hoạch học tập chi tiết, Đàn giành học bổng chính phủ CSC, trở thành sinh viên Đại học Quý Châu.
Đàn cho hay em chọn học ngành kinh tế vì thấy thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc mỗi năm đều tăng trưởng. Người biết tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh và có chuyên môn kinh tế, xuất nhập khẩu cũng có cơ hội việc làm tốt hơn. "Nhưng học kinh tế bằng tiếng Việt đã khó, giờ phải học bằng tiếng Trung khó hơn rất nhiều, đặc biệt giai đoạn em về nước và kẹt lại vì dịch bệnh, phải học chuyên ngành online", Đàn kể.
Với những kiến thức khó, Đàn tìm sách tiếng Việt đọc hiểu trước, sau đó mới nghiên cứu sách tiếng Trung. Nam sinh thường xuyên giữ liên lạc và hỏi thêm thầy cô về bài giảng. Em cũng trao đổi với các du học sinh khác để có thêm kiến thức về văn hóa, kinh tế của đất nước các bạn. Việc trao đổi này theo Đàn giúp em hiểu hơn tính quốc tế của ngành mình đang theo học.
Tốt nghiệp đại học, Đàn giành học bổng Khổng tử CIS để học tiếp lên thạc sĩ.
Nhắc đến Lộc Văn Đàn, cô giáo Nguyễn Nhật Tân, trường THPT Nội trú tỉnh Nghệ An vẫn nhớ đến chàng trai có thái độ học tập nghiêm túc, ngoan của lớp 12A1. Đàn là học sinh duy nhất đến nay của trường giành học bổng du học. "Tôi mừng trước thành quả của em ấy. Đàn là tấm gương cho các em khóa sau học tập", cô Tân chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Đại học Đông Đô, ấn tượng về thành tích học tập và giành học bổng du học của chàng trai dân tộc Thái. Theo ông Tư, ngoài việc học, Đàn còn có những trải nghiệm du lịch khắp Trung Quốc. "Cậu ấy có khả năng truyền cảm hứng tốt qua những video ghi lại trong các hành trình", ông Tư nói.
Đàn hiện có kênh YouTube giới thiệu về du lịch, văn hóa Trung Quốc với hơn 36.000 người đăng ký. Đàn dự định về nước làm việc sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Trung Quốc.
"Khi bạn có ước mơ, hãy nghĩ mọi cách để theo đuổi ước mơ đó. Quá trình đạt được nó không dễ dàng nhưng hãy đi từng bước vững chắc", Đàn chia sẻ.
Bình Minh