Đức Anh hiện là học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với điểm SAT 1.530/1.600, IELTS 7.5, điểm trung bình học tập trên 9,7, Đức Anh còn được ba đại học top 30 của Mỹ cấp học bổng, với mức 5-6 tỷ đồng cho bốn năm học ở mỗi trường.
Nam sinh quyết định đến Yale vào mùa hè này, bởi đây là mơ ước của em từ lâu. Đại học Yale - một trong 8 ngôi trường tinh hoa của nước Mỹ (Ivy League), cho biết năm nay nhận gần 2.150 sinh viên, từ khoảng 57.400 hồ sơ, là tỷ lệ cạnh tranh nhất trong hơn 320 năm.
Đức Anh kể khi em vào lớp 3 cũng là lúc anh trai trúng tuyển các đại học Mỹ. Những câu chuyện về cuộc sống, học tập thôi thúc em cố gắng đặt chân đến những tòa nhà cổ kính, khuôn viên xanh mát, gặp gỡ bạn bè quốc tế như anh mình.
"Cách nhau 10 tuổi nhưng em và anh rất thân thiết, hay trò chuyện. Bước tiến của anh trai là động lực của em", nam sinh nói.
Năm lớp 7, Đức Anh được bố mẹ cho sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của anh. Dịp này, em tham quan những ngôi trường nổi tiếng, ấn tượng đặc biệt với Đại học Yale.
"Triết lý giáo dục và yếu tố mà Yale đề cao là khả năng lãnh đạo và tạo ra sự thay đổi với cộng đồng xung quanh, thu hút em", Đức Anh cho hay.
Theo Đức Anh, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, học sinh không có nhiều sân chơi, sự kết nối với bên ngoài như Hà Nội, TP HCM. Trong những lần đi giao lưu ở TP HCM, nam sinh trầm trồ khi các bạn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như tranh biện, hội nghị mô phỏng Liên Hiệp Quốc. Vì thế, Đức Anh tự tổ chức sân chơi cho mình và bạn bè ở quê.
Nam sinh mở trại hè tranh biện ở Bà Rịa – Vũng Tàu, vào tháng 8/2023, thu hút hơn 200 bạn. Đức Anh và nhóm mời những chuyên gia có kinh nghiệm về tranh biện đến từ nhiều tỉnh, thành huấn luyện về cách nói chuyện trước đám đông và chuẩn bị cho bài tranh biện. Kinh phí 80 triệu đồng do em và các bạn vận động tài trợ và bán vé.
"Kết thúc sự kiện, một bạn học sinh lớp 10 đến gặp, nói được truyền lửa và muốn mang mô hình này về tổ chức ở trường. Lúc đó, em thấy xúc động, mọi vất vả, nỗ lực trong 2-3 tháng đều xứng đáng", nam sinh kể.
Đức Anh nói cũng qua đây, một lần nữa, em cảm nhận mình phù hợp với những tiêu chí mà Yale tìm kiếm - nhân tố lãnh đạo và thay đổi cộng đồng. Nam sinh muốn tìm cách tạo ra những thay đổi tích cực cho bạn bè xung quanh.
Tham gia nhiều hoạt động xã hội cũng như ở trường, Đức Anh từng bị nghi ngờ, rằng vì sao cần làm hoạt động ngoại khóa hoặc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
"Tham gia những hoạt động không phải vì bị bắt ép hay để có hồ sơ đẹp đi du học, mà em tin các hoạt động đó đều bổ ích, giúp các bạn tiếp cận với những hoạt động ngoài nhà trường và phát triển kỹ năng", Đức Anh nói.
Ngoài dự án tranh biện, Đức Anh còn tổ chức hoặc tham gia các hoạt động khác, như bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ ốc. Đây cũng là câu chuyện mà em đưa vào bài luận chính ở Đại học Yale.
Chủ đề của bài luận hỏi hoàn cảnh gia đình đã tác động thế nào đến trí tò mò, khả năng tìm hiểu về mọi thứ xung quanh và ý thức hành động để thay đổi.
Trong bài luận, Đức Anh kể ngày nhỏ thường phụ bố mẹ bán hàng lưu niệm từ vỏ ốc - sản phẩm mang dấu ấn của vùng đất biển. Cửa hàng luôn tấp nập du khách trong và ngoài nước tham quan. Mỗi lần tư vấn cho khách nước ngoài, nam sinh đều tranh thủ hỏi thêm các câu chuyện của họ. Sự tò mò về văn hóa, con người ở các nước khiến em mong muốn được du học để khám phá.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, các sản phẩm này không còn được chú ý. Người kinh doanh và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ ốc thưa thớt dần.
Thấy tiếc nuối, Đức Anh lập một fanpage để quảng bá các sản phẩm làng nghề, kể những câu chuyện về các nghệ nhân còn lại. Ngoài ra, em xây dựng một trang web giúp kết nối nghệ nhân địa phương và các hộ kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ, hỗ trợ họ bán hàng trên kênh online.
"Em còn muốn hợp tác với một số chủ doanh nghiệp để làm mô hình cà phê ốc và biến nó thành một nét đặc trưng của Vũng Tàu", nam sinh kể.
Đức Anh nhận định sự thống nhất, liên kết từ hoạt động ngoại khóa đến câu chuyện trong bài luận và ngành học mong muốn là một điểm mạnh trong bộ hồ sơ, giúp ban tuyển sinh cảm nhận được cá tính, năng lực và tiềm năng của em.
Đức Anh nói thời gian chuẩn bị hồ sơ du học từ tháng 6/2023 đến đầu tháng 1 vừa qua là lúc em căng thẳng nhất. Nam sinh vừa tìm ý tưởng cho bài luận, tham gia nhiều hoạt động, giữ phong độ học tập để có điểm tốt.
Để cân bằng, Đức Anh lên kế hoạch cho từng ngày và hàng tháng. Những công việc quan trọng sẽ được Đức Anh ghi chú từ vài tháng trước.
Cô Đoàn Thị Vân, giáo viên môn Vật lý, đồng thời là chủ nhiệm suốt ba năm của Đức Anh, vẫn nhớ lần đầu gặp học trò cách đây 3 năm.
"Do dịch Covid-19 nên ngày đầu tiên vào cấp 3, cả lớp gặp nhau online. Tôi hỏi ai xung phong làm lớp trưởng thì Đức Anh giơ tay, cho biết làm vị trí này suốt thời tiểu học, cấp hai. Tôi đoán hẳn đây là chàng trai rất năng nổ và quả thật như vậy", cô Vân nhớ lại.
Cô Vân đánh giá Đức Anh giỏi toàn diện. Dù học chuyên Toán, nam sinh vẫn đạt điểm cao ở tất cả môn, luôn nằm top đầu của lớp.
"Đức Anh rất năng động, thích kết nối, có khiếu lãnh đạo. Công việc giao cho em ấy thì cả giáo viên và bạn bè đều yên tâm", cô Vân nhận xét.
Mong muốn lớn nhất của Đức Anh là thành lập một doanh nghiệp xã hội. Để làm được điều đó, nam sinh đặt mục tiêu học hỏi, kết nối nhiều bạn bè trong 4 năm ở Yale.
"Em định vừa học vừa làm để có thêm chi phí sinh hoạt, lại tích lũy kinh nghiệm để khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ đi làm một thời gian rồi học lên thạc sĩ Quản trị kinh doanh", Đức Anh cho biết.
Lệ Nguyễn