Sáng 11/7, khi điểm thi THPT quốc gia 2018 được TP HCM công bố, Nguyễn Trần Công Đạt (ngụ huyện Bình Chánh) không giấu được xúc động khi mình là người duy nhất đạt điểm 10 môn Toán tại thành phố.
"Hôm đó làm bài xong em đoán sẽ được điểm cao, không ngờ khi so với đáp án thì thấy các lựa chọn của mình đều chính xác", Đạt nói.
Khoảng 20 câu đầu tiên, Đạt mất 10-15 phút để hoàn thiện vì chúng khá dễ. Ở 20 câu tiếp theo cậu cũng giải quyết khá nhanh do là những dạng toán quen thuộc, chỉ cần biết cách làm sẽ có kết quả đúng.
"Khi xong 44 câu em còn khoảng 40 phút nữa. Nhưng 6 câu còn lại rất khó, có nhiều câu em chưa từng gặp", Đạt nói. Cậu sau đó đặt bút giải từng câu bằng nhiều cách, loại trừ các phương án sai bằng khả năng phán đoán, nên "được điểm tuyệt đối có một phần do may mắn".
Nhà ở ngoại thành Sài Gòn, mẹ làm công nhân đã nghỉ hưu, ba làm viên chức, Đạt còn có chị gái. Suốt 12 năm qua cậu không học thêm bởi muốn tự nỗ lực, một phần cũng do việc đi lại xa xôi. "Có lúc ba mẹ sốt ruột bảo em đi học thêm nếu cần, em phải trấn an bằng lời hứa sẽ đạt kết quả tốt", cậu kể.
Không có bí quyết đặc biệt ngoài việc chú tâm học hết kiến thức trong chương trình, Đạt giành toàn bộ thời gian còn lại để giải các bài tập khó thầy cô giao, tìm đề khó trên mạng... để biết thêm nhiều dạng toán. Khoảng 3 tháng trước ngày thi THPT quốc gia Đạt mới đăng ký lớp ôn tập để yên tâm hơn, bởi Toán không phải là thế mạnh của cậu.
Ở lớp, Đạt giỏi Hóa và chuyên tâm vào môn này. Năm lớp 11, cậu giành Huy chương vàng môn Hóa ở kỳ thi Olympic 30/4 TP HCM. Lên lớp 12 cậu giành giải nhì thi giải toán trên máy tính casio môn Hóa, giải ba Hóa học sinh giỏi cấp thành phố.
"Trước kỳ thi quốc gia em kỳ vọng đạt điểm 10 môn Hóa nhưng lại sai ở 2 câu không đáng sai, nên được 9,5 điểm", Đạt chia sẻ, giọng nuối tiếc.
Mơ ước làm thầy giáo
"Từ ngày bé em thường chơi trò dạy học, lớn lên cũng hay chỉ bài cho các bạn cùng lớp. Không hiểu sao em rất thích cảm giác được giảng bài, ước mong sau này được đứng trên bục giảng", Đạt nói.
Trước khi đăng ký nguyện vọng đại học, cậu băn khoăn giữa ngành Sư phạm (Đại học Sư phạm TP HCM) và Kỹ thuật Hóa học (Đại học Bách khoa). Đến khi đặt bút viết tờ đăng ký, cậu quyết định chọn Sư phạm, bởi "tính mình nhút nhát, khó trở thành một kỹ sư". Hiện, nam sinh chỉ còn phân vân giữa hai ngành Sư phạm Hóa và Sư phạm Toán.
Ngoài việc học ở lớp, Đạt chỉ thích xem phim, nghe nhạc và phụ mẹ việc nhà. Là Bí thư chi đoàn của trường nên cậu khá năng nổ trong các hoạt động xã hội và tình nguyện hè.
"Kết quả kỳ thi chỉ là bước khởi đầu, vào môi trường đại học sẽ là trang sách mới với nhiều thử thách và trải nghiệm. Em sẽ cố gắng hết mình cho ước mơ", Đạt nói bằng giọng quyết tâm.
Từng dạy Đạt môn Lý lớp 11 và chủ nhiệm lớp 12, cô Nguyễn Thúy Ly (giáo viên THPT Trần Phú) nhận xét: "Đạt cực kỳ dễ thương, ngoan hiền và có tinh thần tự học rất tốt". Cô Ly kể, với vai trò là lớp phó học tập và bí thư đoàn, Đạt luôn năng nổ trong các phong trào học tập của lớp, giúp đỡ bạn bè nhiệt tình.
Điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, không đi học thêm song mỗi khi vào lớp, không chỉ cô Ly và các thầy cô bộ môn khác đều cảm nhận sự vững vàng trong việc nắm bắt kiến thức, siêng năng học hỏi của cậu học trò này.
"Mỗi lần lớp bầu chọn học sinh tiêu biểu thì gần như tất cả chỉ đồng thanh Công Đạt", cô Ly nói.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, theo thống kê từ hội đồng chấm thi, trong khoảng 78.000 thí sinh dự thi môn Toán có hơn 63% thí sinh đạt điểm trên trung bình (từ 5 điểm trở lên). Khoảng 1,19% trong số này (khoảng 1.000 bài thi) đạt từ điểm 8 trở lên, trong đó có một thí sinh đạt điểm 10.
Đề thi THPT quốc gia năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là khó và phân hóa hơn năm trước, đặc biệt môn Toán.