Vì bận, An nhận được kết quả thi học sinh giỏi quốc gia hôm 25/1 trễ hơn bạn bè vài giờ đồng hồ. Khi bạn bè, thầy cô nhắn tin chúc mừng, em mới biết mình giành giải nhất và là thí sinh có điểm cao nhất toàn quốc, với 17,2/20 điểm.
"Em khá bất ngờ. Lúc thi xong em ước chừng điểm số của mình có thể giải nhất hoặc nhì, nhưng không nghĩ sẽ trở thành thủ khoa", An, học sinh lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM, nói.
Được gia đình cho tiếp xúc với tiếng Anh từ 2-3 tuổi, thời tiểu học An học thêm ở một trung tâm Anh ngữ, rồi thôi hẳn từ năm lớp 6, khi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
Hồi đó, nam sinh đã được thầy cô nhận xét có năng lực ngoại ngữ tốt, định hướng đưa vào đội tuyển của trường. An nói dù giao tiếp, sử dụng tiếng Anh thành thạo nhưng khi được bồi dưỡng ở đội tuyển, em mới nhận ra vốn từ vựng, ngữ pháp của mình chưa tốt. Nam sinh học lại từ đầu, dần dần xây dựng nền tảng vững chắc.
Theo An, học ngôn ngữ quan trọng nhất vẫn là ứng dụng. Bí quyết để giỏi tiếng Anh là thực hành nhiều nhất có thể, tùy hoàn cảnh, điều kiện. Ở nhà, em không thường sử dụng tiếng Anh nhưng khi lên lớp, An trò chuyện, trao đổi với các bạn hoàn toàn bằng ngoại ngữ này. Nam sinh nhìn nhận việc này giúp ngữ điệu, cách nói chuyện của em tự nhiên hơn. Ngoài giờ học, An xem phim ảnh, ca nhạc, sách bằng tiếng Anh để học thêm từ vựng, cũng như hiểu hơn về văn hóa của các quốc gia trên thế giới.
Trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố năm lớp 9, An giành vị trí thủ khoa. Vào lớp 10, An và thầy cô ở trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đều kỳ vọng cậu sẽ được gọi vào đội tuyển thành phố để đi thi quốc gia. Nhưng năm ấy, điểm số của nam sinh không đủ để được gọi vào đội tuyển.
An quyết tâm "cày" Tiếng Anh nhiều hơn với hy vọng ghi dấu ấn vào năm lớp 11. Bên cạnh bài tập, đề thi được thầy cô giao, nam sinh lên mạng tìm thêm nhiều đề thi học sinh giỏi để tự luyện. Năm ngoái, An thành công được gọi vào đội tuyển thi quốc gia. Nam sinh đặt mục tiêu đạt giải nhất, nhưng kết quả chỉ được giải nhì.
"Do đặt kỳ vọng cao nên em bị áp lực với chính mình, tâm lý trong phòng thi không tốt, dẫn đến kết quả không như mong muốn", An nói. Sau lần thi này, An dành thời gian suy ngẫm lại, học cách giảm kỳ vọng. Đến năm lớp 12, em dự thi với tâm thế thoải mái hơn và đạt giải nhất như mong muốn.
Sau nhiều năm "chinh chiến" ở các cuộc thi học sinh giỏi, An nói giải thưởng là động lực để em phấn đấu, nhưng những trải nghiệm, sự kỷ luật mới là bài học giúp em trưởng thành.
Cô Trần Kim Duyên, Tổ trưởng Ngoại ngữ, người trực tiếp bồi dưỡng An, cho biết ngay từ năm lớp 9, An đã gây chú ý với các thầy cô về năng khiếu môn Tiếng Anh. Trong kỳ thi vào lớp 10 của trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, nam sinh có điểm thi chuyên Anh cao nhất, nhưng quyết định ở lại chuyên Trần Đại Nghĩa.
"An rất cá tính, tự tin vào năng lực của mình. Trong thi cử luôn có yếu tố hên xui nhưng qua từng năm, em ấy dần chín chắn hơn, biết mình cần cải thiện ở điểm nào", cô Duyên nói.
An cho biết đã ứng tuyển ngành Quan hệ quốc tế và Khoa học chính trị của một số đại học Mỹ. Nếu không du học, cậu cân nhắc theo học trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM.
Lệ Nguyễn