Trần Anh Minh, lớp 12, trường Quốc tế Concordia Hà Nội, nhận tin trúng tuyển 11/17 đại học Mỹ trong mùa tuyển sinh năm nay. Trong số này, nhiều đại học top 10 của Mỹ như Yale, Cornell, Johns Hopkins và Duke.
Trừ Johns Hopkins gửi kết quả hôm 20/3, các trường còn lại thông báo vào 29/3, khi Minh cùng cả nhà du lịch Đà Lạt. Nam sinh mở từng thư, với cảm xúc lẫn lộn.
Yale là ngôi trường mơ ước của Minh. Em đã nộp hồ sơ vào trường ở vòng xét tuyển sớm nhưng bị đưa vào diện deffer (xem xét) nên nghĩ khó thành công.
"Nhưng quá bất ngờ. Cả nhà em vỡ òa trong hạnh phúc", Minh nhớ lại.
Đại học Yale trong nhóm 8 đại học tinh hoa của Mỹ (Ivy League), học phí hơn 64.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng) mỗi năm. Trên website, trường cho biết năm nay nhận khoảng 2.100 tân sinh viên, trong hơn 57.400 đơn ứng tuyển, là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay.
Minh từng đến Yale hai lần, là bước ngoặt khiến em nuôi quyết tâm trở thành sinh viên của trường. Năm lớp 8, Minh tham gia cuộc thi tranh biện World Scholar's Cup và giành vé vào chung kết ở Đại học Yale, đạt giải bạc.
Minh ấn tượng với Yale ở không khí thoải mái, quang cảnh rộng rãi và kiến trúc độc đáo của các tòa nhà.
Em trở lại Yale lần thứ hai vào năm lớp 11 khi tham gia trại hè trong hai tuần. Chuyến đi giúp Minh được trải nghiệm như một sinh viên của Yale: lên giảng đường, tham gia nghiên cứu và thảo luận. Nam sinh được tiếp cận nhiều thông tin mới cũng như góc nhìn đa dạng từ bạn bè quốc tế.
Dưới sự hướng dẫn của nghiên cứu sinh, nhóm của Minh tìm hiểu về sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Tại Mỹ, học sinh thường được kêu gọi nhập ngũ sau khi tốt nghiệp trung học. Lúc ra quân, họ sẽ được trả tiền để học đại học. Nghiên cứu của nhóm Minh nhận ra những học sinh được tuyển thường có đặc điểm chung như xuất thân trong gia đình khó khăn, là người da màu hoặc Mỹ Latin, hoặc sống ở những khu vực nhiều tội phạm. Chỉ một số ít em xuất sắc được trả tiền đi học tiếp.
Trở về từ trại hè, Minh bắt tay chuẩn bị hồ sơ để ứng tuyển vào Yale. Vì đã xác định du học từ trước nên nam sinh đã tham gia các hoạt động ngoại khóa khi vào cấp ba. Được truyền cảm hứng từ bố, mẹ, Minh triển khai dự án dạy tiếng Anh cho học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Na Hang, Tuyên Quang, mỗi tuần 1-2 buổi.
Dự án vẫn duy trì đến nay, mở rộng thêm Lâm Đồng và Trà Vinh. Ngoài tiếng Anh, nhóm của Minh dạy về thiên văn học, marketing và cách dùng mạng xã hội cho khoảng 100 học sinh.
Minh còn tổ chức giải golf từ thiện, đêm nhạc hay bán đấu giá một số sản phẩm để gây quỹ, giúp đỡ các em nhỏ ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.
Khi làm hồ sơ vào Yale, nam sinh cho rằng cần làm đậm hơn nữa sự quan tâm của bản thân với lĩnh vực giáo dục, thể hiện được màu sắc riêng.
Ở bài luận chính 650 từ, yêu cầu viết về trải nghiệm đã qua, nam sinh chia sẻ được sinh ra trong gia đình có điều kiện, từ nhỏ sống trong bao bọc. Khi dạy học cho trẻ em dân tộc thiểu số, nhận ra những bất cập về cơ hội tiếp cận giáo dục của các em.
"Em muốn điều chỉnh những vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục", Minh nói.
Minh còn làm một số nghiên cứu nhỏ. Chẳng hạn, nam sinh tìm hiểu cách người Khmer bảo tồn văn hóa qua giáo dục. Ở Trà Vinh, tiếng Khmer được nhiều người theo học, có cả chương trình dạy trong trường đại học và trên đài phát thanh, truyền hình. Vào mùa hè, các chùa thường dạy miễn phí tiếng Khmer cho học sinh. Minh đã tới tận nơi để phỏng vấn và tìm hiểu về cách làm hiệu quả này.
Ngoài ra, Minh giúp dịch và xử lý số liệu ở một viện nghiên cứu về giáo dục.
Ngoài bài luận chính, Yale có ba bài luận phụ, độ dài từ 35 đến 400 từ. Minh nhớ nhất bài luận ngắn hỏi "nếu viết một cuốn sách hoặc dạy một lớp học, bạn sẽ làm gì?". Trong 35 từ, nam sinh viết muốn dạy về nhạc rap. Em thích rap vì lời của các bài hát thường phản ánh thực tế của đời sống xã hội.
"Em phải chọn từ đồng nghĩa ngắn hơn, sao cho súc tích nhất", Minh kể.
Trong cuộc phỏng vấn với cựu sinh viên của trường, Minh bắt đầu bằng những câu chuyện gần gũi như sinh nhật bà hay giải bóng chuyền mà em tham gia để tạo không khí vui vẻ. Em cũng chuẩn bị một số câu hỏi cho người phỏng vấn, như về đồ ăn và sự thay đổi của trường.
Về học tập, Minh luôn duy trì thành tích tốt, với điểm trung bình đạt 3.95/4. Em cũng có điểm SAT (bài thi chuẩn hóa xét tuyển đại học Mỹ) 1.540/1.600 và điểm tiếng Anh Duolingo 145/160.
Đặc biệt, Minh học 10 môn AP (môn học nâng cao, gồm kiến thức đại cương ở đại học), dù trường thường dạy 8 môn. Trong đó có môn về Lịch sử thế giới, Lý thuyết nhạc, Chính trị, Địa lý con người... Nam sinh nhìn nhận điều này giúp tăng lợi thế khi xét tuyển nên ra sức học, đều đạt điểm 4/5 trở lên.
Thầy Scott Sanders, giáo viên dạy AP, cho hay học sinh ở trường phải trải qua những môn học khó để chuẩn bị hồ sơ vào đại học. Vì thế, nhiều em mất đi động lực khám phá thế giới theo sở thích riêng. Nhưng Minh thì khác.
"Minh là người đặc biệt. Tôi ấn tượng với em ấy ở tính tò mò", thầy Scott chia sẻ. Minh luôn hào hứng thảo luận về nhiều chủ đề, sẵn sàng lắng nghe góp ý và không ngại thay đổi để học được những ý tưởng mới.
Cô Lê Thu Hiền, giáo viên Toán và Big Data (dữ liệu lớn), nhận xét Minh là học sinh đầy đam mê và tận tâm nhất mà cô từng gặp. Trong suốt hai năm dạy Minh ở bốn môn AP (Calculus BC, Big Data, Multivariable Calculus, Linear Algebra), cô nhận thấy em luôn có cách giải quyết vấn đề khác biệt.
Với Minh, kinh nghiệm để ứng tuyển thành công vào đại học Mỹ là biết mình muốn gì và thể hiện điều đó xuyên suốt trong các hoạt động. Các hoạt động ngoại khóa của ứng viên cần có màu sắc riêng, được chuẩn bị sớm từ lớp 9.
Minh đăng ký học ngành Xã hội học, Lịch sử, Toán học kèm Triết tại Đại học Yale.
"Em muốn học lên tiến sĩ về giáo dục và mong giải quyết các bất bình đẳng trong lĩnh vực này", Minh nói.
Bình Minh