Tiến Anh, học sinh lớp 12AE1, trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội, đạt 1.590/1.600 điểm trong kỳ thi SAT (Scholastic Aptitude Test) cuối tháng 8. Trong đó, phần thi Toán của Tiến Anh đạt điểm tuyệt đối 800/800, phần Đọc hiểu đạt 790 điểm.
Đây là bài thi chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi trong xét tuyển đại học Mỹ và nhiều quốc gia khác. Theo College Board, đơn vị tổ chức thi SAT, chưa tới 1% thí sinh toàn thế giới đạt mức điểm như Tiến Anh.
Định hướng thi SAT đến với Tiến Anh vào khoảng tháng 4 năm nay, khi em đặt mục tiêu trúng tuyển ngành Dược, Đại học Monash, Australia. Đây là một trong tám đại học hàng đầu Australia (nhóm G8), top 3 đào tạo ngành Dược tốt nhất thế giới. Để có cơ hội trúng tuyển và cạnh tranh 35 suất học bổng đầu vào, nam sinh nhận định phải cấp tốc bổ sung chứng chỉ này trong hồ sơ.
Tiến Anh nói mình xuất phát muộn bởi bạn bè đa số học SAT từ lớp 10 và thi xong vào năm lớp 11. Song, em quyết định không học thêm, mà tự ôn tại nhà.
"Em làm bài thi thử vào tháng 6, được 1.430 điểm. Em tự nhủ là sau hai tháng, mình có thể đạt mục tiêu 1.500. Ngoài ra, nếu kỳ thi tháng 8 chưa đạt kết quả ưng ý, em vẫn còn kỳ thi tháng 11 và tháng 5/2024 để làm lại", Tiến Anh giải thích.
Bài thi SAT gồm hai phần Đọc hiểu (Reading) và Toán (Math), mỗi phần có hai module với độ khó tăng dần. Bài thi diễn ra trên máy tính, tổng thời gian làm bài gần 2,5 tiếng với 20 phút nghỉ giữa hai phần thi.
Phần Đọc hiểu có hơn 50 câu hỏi trắc nghiệm. Khoảng hơn một nửa số câu hỏi đi kèm các đoạn văn, bài đọc, bài thơ ngắn, còn lại là các dạng hỏi bằng cách đưa bảng thông tin, xếp câu... Với kinh nghiệm ôn thi IELTS, Tiến Anh đã có kỹ năng đọc lướt, nên không gặp khó với các dạng câu hỏi dựa vào ngữ liệu được cung cấp.
Khó nhất là những câu hỏi với dữ liệu là thơ. Nam sinh cho biết cũng như tiếng Việt, dạng ngữ liệu này thường có nhiều lớp nghĩa văn học, trong khi vốn từ vựng của Tiến Anh nghiêng về các văn bản khoa học. Để khắc phục, em học thêm từ vựng, luyện riêng các câu hỏi dạng này.
Với phần Toán học, Tiến Anh nhận định đây là thế mạnh của học sinh Việt Nam khi thi SAT, do kiến thức chủ yếu rơi vào chương trình Toán bậc THCS, một số câu khó nằm ở trình độ đầu THPT. Dù vậy, bài thi sẽ có những dữ kiện gây nhiễu, có thể không cần dùng tới trong quá trình tìm đáp án, khác với nguyên tắc "không dữ kiện nào thừa" trong các đề thi Toán của Việt Nam. Để làm đúng, thí sinh cần nắm chắc kiến thức và cẩn thận.
Ôn thi vào dịp nghỉ hè, Tiến Anh có thể tập trung cho SAT trong tháng 6, nhưng tới nửa cuối tháng 7 khi trở lại trường, em thấy khá ngợp. Ngoài chương trình học cả ngày trên trường, nam sinh còn học thêm Toán, Văn và tiếng Pháp. Theo Tiến Anh, điểm thuận lợi là dù nhiều việc, em có thể chủ động về thời gian. Ngày nào quá bận, em sẽ dành ít thời gian cho SAT hơn, nhưng không dưới 45 phút.
Tiến Anh chủ yếu sử dụng tài liệu ôn thi và thi thử trực tuyến, ít dùng sách giấy. Ngoài ra, em thường xin thêm tài liệu và tư vấn của bạn bè cùng lớp có kinh nghiệm. Mỗi khi luyện đề mà gặp câu khó hoặc dạng bài mới, Tiến Anh chụp lại để thảo luận với bạn bè.
Thầy Lê Minh Thực, giáo viên chủ nhiệm của Tiến Anh, nói học trò luôn kiên trì, nghiêm túc và chỉn chu trong việc học, thường xuyên trao đổi và xin tư vấn của thầy cô nếu gặp vấn đề khó.
"Tiến Anh có mục tiêu rõ ràng, từ đó lập kế hoạch phù hợp. Kết quả SAT là trái ngọt cho quá trình kiên trì của em ấy", thầy Thực nói.
Thầy giáo cho biết năm lớp 9 và 10, Tiến Anh học hệ Cambridge, IGCSE (chương trình trung học quốc tế) nhóm ngành Kinh tế. Năm lớp 11, em mới chuyển sang hệ AE (Anh ngữ học thuật tăng cường), tập trung các môn tự nhiên để chinh phục ngành Dược ở đại học. Việc chuyển chương trình khiến Tiến Anh ôn thi SAT muộn, nhưng bù lại em có nền tảng kiến thức rộng.
Hoàn thành một tiêu chí của bộ hồ sơ du học, Tiến Anh nói "nhẹ cả người". Hiện, em tập trung cải thiện điểm học tập trên lớp để cạnh tranh học bổng đầu vào của Đại học Monash.
Thanh Hằng