Cuối tháng 3, Trịnh Anh Minh, lớp 12 Lý 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận hàng loạt tin trúng tuyển từ các đại học Mỹ. Trong đó, nhiều trường top đầu, theo US News, như Đại học California tại Los Angeles (UCLA) thuộc top 15, trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan tại Ann Arbor (top 21), North Carilina - Chapel Hill (top 22), Virginia (top 24)...
Là cố vấn của Minh trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, chị Phan Lê Hằng Giang, thạc sĩ Đại học Virginia, cho rằng niềm đam mê với nước hoa là điểm nhấn trong hồ sơ của nam sinh.
"Cái hay của Minh là biết mình thích gì từ sớm, nên có thời gian trải nghiệm, phát triển nó. Điều này giúp hồ sơ có sức thuyết phục", chị Giang nói.
Cậu học trò sinh năm 2006 nói thích thú với mùi hương nước hoa từ ngày học lớp 6-7, nên tìm hiểu nhiều loại và hãng nước hoa.
Minh có một "giao kèo" với bố mẹ. Mỗi khi em đạt kết quả tốt, bố mẹ sẽ cho em mua một món đồ yêu thích, và Minh luôn chọn nước hoa. Có lúc, em có gần 40 chai. Mùa xuân, hè, em sẽ dùng những mùi dễ chịu, hương cỏ cây, mùa đông là mùi vani.
Tới năm lớp 9, nam sinh nhận thấy không thể cứ mãi xin bố mẹ hỗ trợ, nên quyết định kinh doanh.
Từ những chai nước hoa đã có, mình tách chiết thành những chai nhỏ hơn rồi bán lại cho người có nhu cầu trên các nhóm online, rồi lại tiếp tục mua chai mới. Những chai chiết của Minh chủ yếu 5-10 ml, nhưng để "được giá" hơn, em thường giữ lại 30-40 ml trong chai gốc để bán kèm vỏ. Sau hai tháng, Minh thu về 7,5 triệu đồng.
Trải nghiệm này khiến Minh nhận ra nước hoa cũng giống marketing. Tầng hương đầu tiên của nó là thứ người dùng ngửi được ngay, cũng như cái khách hàng thấy được sản phẩm mà chiến dịch tiếp thị đang nói tới. Tầng thứ hai tương tự với giá trị của sản phẩm, cần trải nghiệm mới có thể hiểu và đánh giá; còn tầng hương thứ ba là thứ cuối cùng lưu lại, được Minh so sánh với giá trị dịch vụ - điều có thể khiến một người mua hàng lần nữa.
"Quá trình em phát triển đam mê với nước hoa khiến em chắc chắn mình muốn theo đuổi ngành kinh doanh ở bậc đại học", Minh nói.
Là học sinh chuyên Lý, Minh thấy viết luận là một thử thách lớn. Nam sinh cho rằng để hoàn thành bài luận cần vốn từ vựng phong phú, sự linh hoạt trong diễn đạt, trong khi đây không phải thế mạnh của em. Dù câu chuyện vẫn là kể về đam mê nước hoa, Minh phải viết và chỉnh sửa hàng chục lần.
"Những bản đầu tiên rất chán, nhưng từng chút một, qua mỗi bản nháp, em lại điều chỉnh câu từ, cách diễn đạt và dần hoàn thiện", Minh nói.
Lợi nhuận từ kinh doanh nước hoa giúp Minh có tiền tham gia các dự án, hoạt động ngoại khóa. Năm lớp 10, Minh thực hiện dự án Thương Em, hỗ trợ học sinh khó khăn tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Minh cùng các bạn mua tặng đồ dùng học tập, tổ chức các hoạt động vui chơi và sơn sửa lại phòng học xuống cấp ở 5-6 trường. Cùng đó, nam sinh hỗ trợ bữa ăn bán trú cho hơn 10 học sinh ở vùng cao, thông qua quỹ Nuôi Em.
Từ tiểu học đến nay, Minh giành hơn 20 giải ở các kỳ thi về khoa học tự nhiên, như huy chương vàng Olympic Toán và Khoa học trẻ quốc tế (IMSO), Khoa học trẻ quốc tế (IJSO), giải bạch kim Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS), giải nhất học sinh giỏi thành phố lớp 9, 11 ở môn Vật lý... Vì thế, khi chọn theo đuổi lĩnh vực kinh doanh, Minh nhận được nhiều câu hỏi về tính thống nhất trong hồ sơ du học.
Minh cho rằng việc duy trì thành tích trong các môn khoa học tự nhiên thể hiện em là người kiên trì, có khả năng học thuật. Việc này cũng giúp em hình thành tư duy khoa học và logic - điều rất cần thiết trong kinh doanh. Chưa kể, em có nền tảng nếu kinh doanh các lĩnh vực liên quan.
"Ví dụ em học Vật lý thì có thể kinh doanh các loại vật liệu. Trong việc định giá các chai nước hoa tách, chiết, tính toán tỷ lệ vốn và lợi nhuận, em cũng vận dụng nhiều kiến thức Toán học", Minh chia sẻ.
Để hồ sơ thêm cạnh tranh, Minh thử thách bản thân bằng một nghiên cứu khoa học về Tài chính vi mô (Micro Finance) - các dịch vụ tài chính dành cho người thu nhập thấp. Nam sinh trường Ams đặt vấn đề dùng công nghệ để phát triển dịch vụ này tại Việt Nam.
Quá trình nghiên cứu, Minh đọc nhiều tài liệu, hiểu sâu hơn về các nguyên lý cũng như một số đặc điểm tài chính ở Việt Nam. Sau gần một năm, cậu hoàn thành nghiên cứu bước đầu, sắp công bố trên một số tạp chí khoa học.
Với Minh, thời gian áp lực nhất là nửa cuối năm 2023. Khi đó, em vừa phải hoàn thành các bài thi chuẩn hóa, tổ chức hoạt động ngoại khóa, làm hồ sơ du học. Dù vậy, nam sinh vẫn thỉnh thoảng đá bóng, chơi guitar, piano để thư giãn.
Chị Hằng Giang nhận xét Minh thông minh, nhạy bén khi khéo léo kết hợp và đưa vào hồ sơ những thành tích và trải nghiệm đã có. Minh thực sự yêu thích những việc mình làm chứ không chỉ để cho đẹp hồ sơ du học.
Trong cuộc sống, Minh hoạt ngôn, năng động và dễ dàng kết nối với mọi người. "Minh thực sự phù hợp với lĩnh vực kinh doanh", chị Giang nói.
Minh định chọn trường Kinh doanh Ross của Đại học Michigan - Ann Arbor, vì trường mạnh về đào tạo lĩnh vực này. Nam sinh dự kiến tìm hiểu và học trước một số nội dung chuyên ngành để bắt nhịp với chương trình học. Nếu có điều kiện, em muốn tiếp tục theo đuổi các dự án về nước hoa.
"Đam mê này đã góp một phần lớn giúp em du học Mỹ, nên em cũng muốn sau này có dự án khởi nghiệp về nước hoa", Minh bật mí.
Thanh Hằng