1. Chuẩn bị quá nhiệt tình khi có em bé
Hầu như phụ huynh nào cũng cảm thấy hào hứng khi có em bé. Vấn đề là sự phấn khích này thuộc về bố mẹ, trong khi những đứa trẻ ít cảm nhận được niềm vui khi có em. Ngược lại, các bé lớn sẽ cảm thấy khó chịu, bất an nếu bố mẹ dành quá nhiều thời gian chuẩn bị, trò chuyện và bày tỏ cảm xúc nhiệt tình về một thành viên khác, vốn chưa ra đời.
Trẻ em rất nhạy cảm. Dù em bé chưa sinh ra, các em đã cảm nhận được những thay đổi trong gia đình. Nếu bố mẹ chỉ mải quan tâm đến con nhỏ, các bé lớn chưa chuẩn bị sẵn tâm thế đón nhận thành viên mới sẽ khó xử khi đối mặt với các em. Đó có thể là cảm xúc ghen tị vì bố mẹ quan tâm em nhiều hơn, buồn bã vì không được chú ý như trước, bối rối vì không biết cách chăm sóc bé sơ sinh.
Vì vậy, bố mẹ nên lôi kéo con tham gia quá trình chuẩn bị đón em bé. Bạn có thể xây dựng tinh thần trách nhiệm cho trẻ bằng cách nói: "Con sẽ là người anh/người chị tuyệt vời", "Con sẽ rất vui khi có em để chơi cùng". Ngoài ra, bạn có thể dạy con cách chăm sóc em bé, tạo điều kiện cho những đứa trẻ ở gần nhau để gia tăng tình cảm, giúp con lớn làm quen với em. Điều này có thể hạn chế những thay đổi khi gia đình đón thành viên mới, giúp trẻ xây dựng tinh thần trách nhiệm.
2. Không chia sẻ với con
Việc các bé cảm thấy tức giận khi có em là không thể tránh khỏi. Rất ít đứa trẻ chấp nhận sự thật rằng mình không còn là trung tâm sự chú ý của bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ hãy hiểu cho cảm xúc tiêu cực của con.
Nếu bạn la mắng, phạt con vì hành xử không tốt, các bé sẽ càng cảm thấy tức giận, thậm chí là ghét bỏ em mình. Điều các bé lớn đang cố truyền đạt là không muốn có em bé, không muốn mất vị trí trung tâm trong lòng bố mẹ và muốn biết bố mẹ còn yêu mình nhiều như trước không.
Các chuyên gia cho rằng trong tình huống này, thay vì quát mắng, bạn hãy bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó chịu trong lòng trẻ. Bạn nên thừa nhận với trẻ rằng đây là thời gian thay đổi vì em bé còn quá nhỏ, bố mẹ phải dành thời gian chăm sóc cho em khỏe mạnh hơn. Bạn có thể kể chuyện hồi con nhỏ như em bé bây giờ, bạn cũng dành nhiều thời gian như vậy để chăm chút. Đặc biệt, hãy nhấn mạnh rằng bạn vẫn yêu thương con như trước.
3. Buộc phải chia sẻ
Khi các con có thể cùng chơi đùa, việc giành giật đồ chơi là khó tránh khỏi. Thông thường, khi con nhỏ giành đồ chơi của anh chị, bố mẹ sẽ yêu cầu con nhường đồ chơi cho em nhỏ.
Hành động này vô tình khiến những đứa lớn cảm thấy tức giận, khó chịu với bố mẹ và em. Các bé cảm thấy không công bằng, không được yêu thương như khi không có em bé, tạo nên khoảng cách giữa các con.
Trường hợp này, bạn không nên bắt con phải nhường đồ chơi cho em. Thay vào đó, bạn nên di dời sự chú ý của con út sang đồ chơi khác. Hoặc bạn nên khuyến khích các con cùng chơi với nhau.
4. Bênh vực
Khi các con lớn lên, việc tranh chấp, cãi nhau sẽ thường xảy ra. Phụ huynh thường nhảy vào cuộc chiến khi thấy một trong các con bị đuối lý hoặc khi một bé chạy ra mách. Bé còn lại thường bị nhắc nhở, thậm chí bị phạt nếu làm tổn thương anh chị em.
Từ góc độ phụ huynh, bạn có thể cho rằng mình đang dẹp bỏ sự bất công giữa hai bên. Tuy nhiên, bạn không góp mặt trong các cuộc chiến nên không thể đánh giá mức độ tổn thương của các con. Có thể, đứa trẻ bị phạt cũng cảm thấy buồn bã, hối hận nhưng không được chia sẻ. Điều này sẽ gây bất hòa trong anh chị em.
Tranh cãi thường xảy ra trong quãng thời thơ ấu vì đó là khoảng thời gian trẻ thăm dò, tìm hiểu và học cách sống chung với nhau. Theo thời gian, khi các em lớn lên, nhận thức rõ ràng hơn, việc tranh cãi sẽ giảm bớt.
Trong thời gian này, phụ huynh không nên phán xét hoặc đổ lỗi cho các con khi cãi vã. Đặc biệt, không nên dán mác trẻ là "kẻ bắt nạt", "ích kỷ", "không biết nhường nhịn" vì nó vô tình khiến trẻ xấu hổ, tự ti về tính cách của cá nhân.
Thay vào đó, bạn nên đứng giữa như một quan tòa, lắng nghe ý kiến hai bên và khuyến khích các bé tìm cách xử lý tình huống. Chẳng hạn, khi cả hai đòi ngồi ghế phụ cạnh tài xế, bạn hãy bảo cách con oẳn tù tì hoặc phân chia trên đường đi, con lớn sẽ ngồi ghế trước và con út ngồi ghế sau để đảm bảo công bằng.
5. So sánh
Dù anh chị em ruột cũng có điểm mạnh, yếu, nếp sinh hoạt khác nhau. Vì vậy, việc so sánh các con với nhau như: "Tại sao con không chăm chỉ như em?", "Con nhìn chị con mà học tập" là thiếu công bằng.
Đứa trẻ bị nhận xét với anh chị em còn lại sẽ cảm thấy mình thấp kém, tự ti, ghen tị. Những cảm xúc này sẽ kìm bước phát triển của các bé. Mỗi đứa trẻ với tính cách khác nhau nên được khuyến khích phát triển theo cách riêng. Bố mẹ nên định hướng, tìm cách nuôi dạy các con phù hợp, tránh so sánh.
Tú Anh (Theo Peaceful Parents)