Khi dự định sinh con thứ hai vài năm trước, tôi chia sẻ với chồng muốn hai đứa con sẽ trở thành người bạn thân, người đồng hành trọn đời đáng tin cậy của nhau. Dù biết những đứa trẻ trong gia đình thường cãi vã, bất hòa với nhau, tôi tin rằng nếu được định hướng, các bé sẽ đoàn kết, gắn bó.
Hiện tại, tôi có hai con trai. Mối quan hệ của các cháu lúc nào cũng làm tôi ngạc nhiên. Có lúc, anh cả quát mắng, thậm chí đánh em, nhưng có lúc, cả hai ôm nhau ngủ ngon lành. Tôi bắt đầu tìm hiểu các nghiên cứu về mối bất hòa giữa anh chị em ruột trong gia đình và biết đến giáo sư Tâm lý học ứng dụng Laurie Kramer, Đại học Northwestern Boston, bang Massachusetts.
Trong hơn 30 năm nghiên cứu, Kramer và đồng nghiệp đã giới thiệu nhiều phương pháp giúp con hòa đồng dành cho cha mẹ có con 4-8 tuổi. Dưới đây là bốn cách dễ thực hiện trong gia đình.
1. Chia sẻ với con cái
Mối quan hệ anh chị em trong gia đình là quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và hành vi của trẻ. Nghiên cứu cho thấy anh chị em hòa đồng có thể thúc đẩy khả năng đồng cảm trong khi anh chị em bắt nạt lẫn nhau tạo ra cảm xúc tiêu cực, hành vi bạo lực. Các bậc cha mẹ đều mong con cái hòa thuận nhưng không nói ra nên trẻ không hiểu rằng phải đối xử tốt với anh chị em.
Phụ huynh nên chia sẻ mong muốn các con đoàn kết, gắn bó với nhau. Khi các con hòa thuận, bạn hãy bảo rằng khoảnh khắc này khiến bạn hạnh phúc và bạn mong nó sẽ được duy trì. Khi các con đánh nhau, hãy thể hiện bạn cảm thấy buồn, thất vọng và hy vọng các con sẽ sửa đổi.
2. Không phớt lờ
Nhiều cuốn sách viết rằng cha mẹ không nên can thiệp vào xung đột của con cái để các em hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề, tính độc lập. Tuy nhiên, theo giáo sư Kramer, đây là phương pháp sai lầm, chưa được kiểm chứng.
Trẻ em không biết cách xử lý các xung đột, đặc biệt là anh chị em đang trong độ tuổi trưởng thành. Ngay cả người lớn cũng phải học cách để kiểm soát mâu thuẫn với mọi người xung quanh. Nhiệm vụ của cha mẹ là hướng dẫn các con phát triển kỹ năng giải quyết xung đột.
Khi các con cãi nhau, bạn hãy khuyến khích chúng tách nhau ra, chuyển ra hai vị trí cách xa nhau để hạn chế những hành vi hoặc quyết định bốc đồng. Tiếp đó, hướng dẫn các con lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ về những điều chúng muốn và chia sẻ với anh chị em. Hãy luyện tập cách giải quyết này thường xuyên, như việc học môn thể thao.
3. Giải thích
Đôi khi một đứa trẻ sẽ nhận được sự chú ý của cha mẹ hơn anh chị em. Cũng có trẻ cần được nuôi dạy nghiêm khắc hơn trong khi bé khác được nuôi dạy mềm mỏng. Việc đối xử, nuôi dạy con cái không bao giờ giống nhau vì mỗi đứa trẻ một tính cách khác biệt. Nhưng trẻ nhỏ không nhận ra điều này mà thường so sánh, ghen tị với nhau.
Các xung đột phần lớn cũng xuất phát từ sự so sánh này nên cha mẹ rất cần quan tâm đến thái độ, cảm xúc của các con. Khi đối xử với các con khác nhau, bạn nên giải thích lý do. Chẳng hạn, con út bị ốm nên cha mẹ phải dành nhiều thời gian quan tâm hơn con lớn. Bạn hãy nói với con lớn rằng: "Vì em đang ốm nên bố mẹ phải để ý em nhiều hơn. Chúng ta đều mong em sớm khỏe lại nên con hãy cùng bố mẹ chăm sóc em nhé".
Nếu đã giải thích lý do nhưng trẻ vẫn khăng khăng là cha mẹ đang thiên vị, bạn cần đánh giá lại thái độ và hành vi của mình.
4. Khuyến khích làm việc cùng nhau
Trẻ em sẽ thân thiết, gắn bó hơn nếu được tham gia các hoạt động cùng nhau. Ngày nay, trẻ bị cuốn vào việc học, hoạt động ngoại khóa, thiết bị công nghệ nên anh chị em trong gia đình ít có thời gian dành cho nhau, từ đó hạn chế khả năng thấu hiểu, chia sẻ giữa các thành viên.
Bạn nên khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian chơi đùa cùng nhau hoặc cùng tham gia một số hoạt động ngoại khóa. Cuối tuần, cả nhà có thể cùng đi chơi, đi dã ngoại hoặc xem phim tại gia để gia tăng sự gắn kết giữa các thành viên.
Tú Anh (Theo Huffpost)