Theo xác nhận của chính phủ Nam Phi, tính đến sáng 15/7, nước này đã triển khai 10.000 quân tuần tra ở nhiều khu vực để đảm bảo an ninh. Quân đội huy động toàn bộ 12.000 lính dự bị để ứng phó làn sóng bạo loạn. Tổng quân số được triển khai trong thời gian qua đã lên đến 25.000.
Xe buýt, xe tải, máy bay và trực thăng được huy động cho đợt triển khai quân sự có quy mô hiếm thấy trong gần 30 năm qua, kể từ khi kết thúc chính phủ do thiểu số da trắng lãnh đạo.
Hàng chục xe thiết giáp đưa quân vào Gauteng, tỉnh đông dân nhất Nam Phi, nhằm biểu dương sức mạnh. Cả Johannesburg, thành phố lớn nhất cả nước, và thủ đô Pretoria đều thuộc tỉnh này. Quân đội cũng tăng viện cho lực lượng an ninh tỉnh KwaZulu-Natal, nơi đầu tiên bùng phát bạo loạn.
Cảnh sát ở 7 tỉnh còn lại của Nam Phi được đặt trong tình trạng báo động dù làn sóng bất ổn chưa lan rộng. Cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 2.200 người với các cáo buộc phá hoại tài sản và trộm cắp. Ít nhất 117 người thiệt mạng vì bạo loạn, trong đó nhiều trường hợp do đám đông giẫm đạp.
Đại diện chính phủ nhận định các vụ bạo loạn là hành vi phá hoại kinh tế. Nam Phi đang điều tra một số đối tượng tình nghi kích động bất ổn, trong đó một người đã bị bắt và 11 người khác đang được giám sát.
Gauteng dần ổn định nhờ quân đội hiện diện, nhưng tình hình tại KwaZulu-Natal vẫn diễn biến phức tạp trong ngày 15/7. Một số trung tâm thương mại, xí nghiệp và nhà kho tiếp tục bị cướp phá và phóng hỏa. Cảnh sát còn tìm thấy một kho vũ khí với 10.000 viên đạn ở Durban vào đêm trước đó.
"Bạo loạn ở KwaZulu-Natal dường như được tổ chức rất chỉn chu và nguồn tài chính dồi dào. Họ chặn nhiều nút giao thương chiến lược, các tuyến đường huyết mạch. Sự kiện được tổ chức rất kỹ lưỡng", William Gumede, nhà phân tích chính trị Nam Phi, nhận xét.
Trung Nhân (Theo AP)