"Chúng tôi đang chờ một quan điểm pháp lý mới về vấn đề", Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi Naledi Pandor nói ngày 24/3, nhắc đến việc Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Chúng tôi lo ngại về tình hình người dân Ukraine. Chúng tôi muốn ở vị thế có thể tiếp tục trao đổi với hai bên để thuyết phục họ hướng đến hòa bình".
Về mặt lý thuyết, lệnh bắt từ ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Hai quan chức Bộ Ngoại giao Nam Phi nói khả năng cao họ sẽ không bắt bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào đến thăm nước này. Chính phủ và quốc hội Nam Phi đang cân nhắc mọi biện pháp để tránh thực hiện lệnh bắt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nam Phi từ chối bình luận về thông tin. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 24/3 nói Nam Phi không thể từ chối tiếp Tổng thống Putin nhưng cũng không thể phớt lờ lệnh bắt của ICC.
Bà Pandor ngày 23/3 cho biết ông Putin đã được mời dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS vào tháng 8 ở Nam Phi với tư cách là nguyên thủ quốc gia thành viên trong khối. Nga chưa xác nhận ông chủ Điện Kremlin có tham dự sự kiện hay không.
BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP thế giới.
Nam Phi từng hứng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vào năm 2015 vì không thực hiện lệnh bắt của ICC với Omar al-Bashir, tổng thống Sudan giai đoạn 1989 - 2019. ICC tháng 3/2009 quyết định truy tố ông al-Bashir với cáo buộc chỉ đạo chiến dịch giết người hàng loạt, tấn công dân thường ở Darfur.
Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC. Cựu tổng thống Jacob Zuma từng đề xuất rút Nam Phi khỏi ICC năm 2016 nhưng sau đó từ bỏ ý định.
Như Tâm (Theo Bloomberg, Yahoo News)