"Chúng tôi muốn làm rõ rằng Nam Phi vẫn là một bên cam kết với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)", văn phòng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ra tuyên bố hôm 25/4.
Văn phòng của ông Ramaphosa đính chính rằng phát ngôn trước đó của ông về việc Nam Phi dự định rút khỏi ICC là do "lỗi truyền đạt thông tin từ phía đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền".
ANC trước đó thông báo với truyền thông rằng ủy ban điều hành của đảng này đã thảo luận về việc Nam Phi rút khỏi ICC. Trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Ramaphosa cho biết đảng ANC của ông đã quyết định nên rút nước này khỏi ICC.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters
Theo ANC, một sự cố ngoài ý muốn có thể đã dẫn tới hiểu lầm rằng đảng cầm quyền Nam Phi quyết định dứt khoát rút khỏi ICC ngay lập tức. ANC nói rằng ủy ban điều hành đảng trước đó chỉ thảo luận về việc ICC áp dụng luật pháp quốc tế "không bình đẳng" và "có chọn lọc".
Nam Phi, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nga, đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan từ khi ICC phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3. Ông Putin được cho là sẽ dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, diễn ra tại Nam Phi vào tháng 8, với đại diện nước chủ nhà và ba quốc gia còn lại trong khối là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Về mặt lý thuyết, lệnh bắt từ ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến The Hague, Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Nga có bị bắt khi tới Nam Phi hay không, ông Ramaphosa nói đang xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, tổng thư ký đảng cầm quyền ANC Fikile Mbalula tuyên bố rằng ông Putin có thể tới Nam Phi bất cứ lúc nào.
Nam Phi từng có ý định rút khỏi ICC năm 2016, một năm sau khi hứng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế vì không thực hiện lệnh bắt của cơ quan này với Omar al-Bashir, tổng thống Sudan giai đoạn 1989 - 2019. ICC tháng 3/2009 cáo buộc ông al-Bashir chỉ đạo chiến dịch giết người hàng loạt, tấn công dân thường ở Darfur.
Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC.
Ngọc Ánh (Theo AFP)