"Chưa có quyết định cuối cùng", Zane Dangor, Vụ trưởng quan hệ quốc tế, Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi (DIRCO), nói ngày 31/5. Ông Dangor cho biết các bộ trưởng liên quan sẽ sớm họp để xem xét các lựa chọn.
Bình luận đưa ra trong bối cảnh Nam Phi đang trong thế tiến thoái lưỡng nan từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3. ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Nam Phi ngày 25/1 đã gửi lời mời Tổng thống Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg ngày 22-24/8 với tư cách là nguyên thủ quốc gia thành viên trong khối. BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP thế giới.
Lựa chọn đang thu hút nhiều sự ủng hộ là đề nghị Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh, theo một quan chức cấp cao chính phủ Nam Phi. Trung Quốc là quốc gia chủ tịch BRICS năm 2022. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm nay nói các thông tin cho rằng thượng đỉnh BRICS sẽ được chuyển từ Nam Phi về Trung Quốc là thất thiệt, Interfax đưa tin.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có dự thượng đỉnh BRICS hay không, Điện Kremlin ngày 30/5 nói Nga sẽ tham gia ở "cấp độ phù hợp".
Cựu tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki ngày 25/5 bình luận rằng hội nghị thượng đỉnh BRICS khả năng cao không diễn ra ở Nam Phi. "Đó là vì các nghĩa vụ pháp lý, chúng ta phải bắt Tổng thống Putin, nhưng chúng ta không thể làm vậy", ông Mbeki nói.
Thứ trưởng phụ trách hợp tác và các vấn đề truyền thống Obed Bapela ngày 30/5 nói rằng Nam Phi dự định thông qua dự luật cho phép Pretoria được tự quyết có bắt các lãnh đạo bị ICC truy nã hay không. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tư pháp Nam Phi nói quốc hội nước này sẽ không kịp thông qua một dự luật như vậy trước khi thượng đỉnh BRICS diễn ra.
DIRCO ngày 29/5 thông báo sẽ đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao cho quan chức, lãnh đạo tham dự cuộc họp ngoại trưởng các nước BRICS tại Cape Town ngày 1-2/6 và hội nghị thượng đỉnh BRICS. Theo DIRCO, đây là quy trình tiêu chuẩn, áp dụng với mọi hội nghị quốc tế tổ chức ở Nam Phi.
"Các biện pháp này nhằm bảo vệ hội nghị và người tham dự khỏi quyền tài phán của nước chủ nhà trong thời gian diễn ra hội nghị", DIRCO cho biết thêm.
Nga trước đó gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Mỹ và Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ không tham gia và không công nhận thẩm quyền của ICC.
Như Tâm (Theo Reuters, RT)