Trần Thị Ngọc Thảo, 23 tuổi, người Vũng Tàu, hiện sống và làm marketing ở TP HCM. Chuyến đi của cô và anh trai vừa diễn ra vào cuối tháng 3, cũng là cuối mùa hoa gạo ở miền Bắc.
Hai anh em đặt vé máy bay TP HCM - Hà Nội buổi tối, hạ cánh lúc 20h15, sau đó đón xe khách lên Hà Giang từ 21h30. Bay tối để tiếp nối chuyến xe khách khiến bạn di chuyển nhiều nhưng tiết kiệm thời gian. Dưới đây là các kinh nghiệm và lịch trình chi tiết của Thảo.
Phương tiện di chuyển
Giá vé TP HCM - Hà Nội khứ hồi khoảng 1,7 triệu đồng một người. Từ Nội Bài hai anh em thuê xe điện di chuyển đến nơi chờ xe khách với giá 50.000 đồng hai người. Xe điện tiện và rẻ hơn taxi nhưng phải chờ hơi lâu.
Đi Hà Nội - Hà Giang bằng xe khách giường nằm giá vé 300.000 đồng một người.
Từ Hà Giang thuê xe máy 180.000 đồng một ngày để di chuyển các điểm. Vì thuê xe ở Hà Giang và trả tại Cao Bằng nên Thảo tốn thêm 500.000 đồng tiền vận chuyển xe.
Từ Cao Bằng về lại Hà Nội hai anh em đi Limousine giá 370.000 đồng một người.
Lịch trình chi tiết
Ngày 1: TP Hà Giang - Đồng Văn (120 km)
4h: Thảo có mặt tại TP Hà Giang và thuê xe máy, nghỉ ngơi tại phòng trọ của nhà xe.
6h: Ăn sáng và bắt đầu lên đường. Điểm đến đầu tiên là cây cô đơn. Thảo đi đường vào xã Thuận Hoà, huyện Vị Xuyên, không qua cổng trời Quản Bạ. Hai bên đường là những khung cảnh hoang sơ nhiều đồi núi và đặc biệt có rất nhiều cây gạo trổ bông và qua cầu treo Cán Tỷ.
12h: Có mặt và ăn trưa tại Yên Minh, nghỉ ngơi khoảng một tiếng thì đi tiếp để 15h tới dốc Thẩm Mã và 16h tới Phố Cáo. Do di chuyển nhiều mà cô phải bỏ qua các điểm nhà của Pao, làng dân tộc H'Mông để chạy thẳng tới Phó Bảng.
16h30: Tham quan Phó Bảng. Cô thấy đây là một thị trấn khá hiện đại nhưng càng chạy sâu vào thì nét cổ kính, hoang sơ mới dần hiện ra. Những ngôi nhà trình tường nằm ngắn cạnh nhau trông thật cuốn hút hơn.
17h15: Check-in thung lũng Sủng Là và bãi đá mặt trăng.
19h: Có mặt tại Đồng Văn, ăn tối lẩu gà đen tại quán cô Thư Bò 2, sau đó dạo một vòng phố cổ Đồng Văn và nghỉ đêm tại homestay Mèn Mén.
Ngày 2: Đồng Văn - Bảo Lạc, Cao Bằng (80 km)
7h: Sau bữa sáng bánh cuốn Bà Hà tại phố cổ, hai anh em dạo chợ phiên Đồng Văn chỉ diễn ra vào sáng chủ nhật. Ngọc Thảo ấn tượng nhất với khu chợ gia súc khi chó, lợn, trâu, bò được buộc dây dắt đi khắp chợ để tìm chủ mới.
8h: Xuất phát đi vách đá trắng. Bạn tìm "Vách đá thần" trên Google Maps là đến nơi dựng xe máy rồi đi bộ khoảng 3 km sẽ tới vách đá. "Từ đây, mọi người sẽ ngắm được đoạn đèo đẹp nhất của Mã Pí Lèng, bên dưới là sông Nho Quế xanh ngát chảy qua. Mọi thứ thu vào tầm mắt mình lúc đó tuyệt tới mức mình không biết tả sao vì đẹp thôi là chưa đủ", Thảo cho hay.
13h: Ăn trưa, trả phòng và 14h xuất phát đi Cao Bằng bằng cung đường Đồng Văn - Mèo Vạc - Bảo Lạc. Quãng đường có rất nhiều khúc cua tay áo thử thách người cầm lái. Nếu dừng lại ở đèo Mã Pí Lèng và mỏm đá Yên Ngựa cũng nguy hiểm nên mọi người chụp ảnh cần cẩn thận.
18h: Đến Bảo Lạc và nghỉ ngơi tại Bao Lac Homestay & Cao Bang Loop. Đường từ Mèo Vạc đến Bảo Lạc có rất nhiều hoa gạo nở ven đường nhưng Thảo đi cuối mùa nên chỉ sót lại vài cây đang nở rộ.
Ngày 3: Bảo Lạc - Suối Lê Lin - TP Cao Bằng (140 km)
6h: Ăn sáng và dạo một vòng thị trấn. Thảo chia sẻ, ở Bảo Lạc có phở vịt và phở lạp xưởng ngon, đặc biệt là lạp xưởng ăn không bị ngán.
7h30: Xuất phát đi đèo Khau Cốc Chà. Để lên đỉnh đèo ngắm toàn cảnh 14 tầng từ trên cao bạn phải trekking xuyên rừng để lên đỉnh, đi men sườn núi và theo dấu sơn đỏ chỉ đường. Thời gian leo khoảng 45 phút đến một tiếng tuỳ thể lực. Nửa đường đầu không dốc lắm và dễ đi nhưng nửa sau mới gọi là thách thức thực sự với những dốc đá cao và trơn.
13h: Xuất phát đi suối Lê Nin. Vé vào cổng 45.000 đồng một người bao gồm xe điện, vì anh em Thảo tới nơi trễ nên bỏ qua khu tượng đài mà đi thẳng vào suối. Càng đi sâu vào trong thượng nguồn suối nước còn xanh và trong hơn cùng rất nhiều cá. Xung quanh khu suối có những hàng cây, bãi cỏ rất thơ mộng, không khí thì sạch sẽ và trong lành.
17h: Xuất phát về thành phố Cao Bằng.
19h: Có mặt tại thành phố, nhận phòng nghỉ tại Jodevi homestay.
Ngày 4: TP Cao Bằng - Hồ Thang Hen - Thác Bản Giốc - TP Cao Bằng (160 km)
7h30: Xuất phát đi hồ Thang Hen. Hồ cách trung tâm thành phố khoảng 35 km, đường dễ đi và có bảng chỉ đường. Vé vào cổng 30.000 đồng một người.
11h: Xuất phát đi thác Bản Giốc, hai anh em không ăn trưa và chạy một mạch đến thác vì đường dài. Vé vào thác là 45.000 đồng một người. Với Thảo, Bản Giốc khác với những thác cô từng tham quan vì nhiều tầng nhưng không quá cao, nhìn có vẻ "dịu dàng, hữu tình".
Khi vào đến huyện Trùng Khánh, cô mới cảm nhận được nét đặc trưng mà mình đã tưởng tượng về vùng đất Cao Bằng. Những rặng tre trúc mọc ven cánh đồng, xa xa là đàn trâu đang gặm cỏ, cạnh căn nhà cũ kỹ là dãy hoa cải còn đẫm sương, nằm ngay ngắn bên dưới ngọn núi cao sừng sững. Những khung cảnh này lại có sức hút mãnh liệt nhất với cô gái Vũng Tàu.
16h: Về lại TP Cao Bằng.
Ngày 5: TP Cao Bằng - TP HCM
7h30: Sau khi ăn sáng thì xuất phát đi núi Thủng. Thảo đi đúng ngày trời mưa nhưng không vì thế mà cảnh quan bớt đẹp. Cô được ngắm cảnh núi Thủng và đồi núi xung quanh lấp ló giữa những đám mây bồng bềnh, bên dưới là hồ nước xanh trong phẳng lặng. Theo cô nếu đi ngày mưa nên mang theo ủng để tránh trơn trượt, bị ngã.
11h: Trở về homestay trả phòng và xe.
14h: Lên xe khách về Hà Nội để 20h tới nơi.
22h: Đến sân bay đón máy bay về TP HCM và kết thúc chuyến đi.
Lưu trú
Tại Đồng Văn: Hai anh em nghỉ ngơi tại homestay Mèn Mén giá 400.000 đồng một đêm. Homestay ngay trung tâm, sạch sẽ, rộng rãi, chủ dễ thương.
Tại thị trấn Bảo Lạc: nghỉ ngơi tại Bao Lac Homestay & Cao Bang Loop với giá 700.000 đồng một đêm đã gồm ăn tối và ăn sáng. Thảo kể, hai anh em dùng bữa tối tại đây, thực đơn có thịt gác bếp rất ngon, nhâm nhi vài ngụm rượu ngô đặc sản và nghe anh chủ chia sẻ về vùng đất Cao Bằng. Đó là một bữa tối ấm cúng mà cô không bao giờ quên.
Hai đêm tại TP Cao Bằng: Nghỉ ngơi tại Jodevi homestay với giá phòng 350.000 đồng một đêm. Ưu điểm là nằm ngay trung tâm thành phố, tiện đi lại và xung quanh nhiều quán ăn. Nhược điểm là hệ thống thoát nước của phòng vệ sinh hơi kém.
Địa điểm ăn uống
Tại Hà Giang, nên ăn bánh cuốn bà Hà tại phố cổ Đồng Văn, lẩu gà đen cô Thư . Tại Cao Bằng, hãy ăn thử lạp xưởng Cao Bằng, khác hẳn lạp xưởng trong Nam. Ngoài ra còn có Vịt Quay 7 vị ở trung tâm thành phố Cao Bằng. Lưu ý, vịt quay chỉ bán mang về và hết rất sớm, bạn nên đến trước 19h. Các bữa còn lại Thảo ăn cơm ở các quán ăn bình dân để lấy sức đi.
Chi phí
Chuyến đi 5 ngày mỗi người tốn 6 triệu đồng, gồm các chi phí:
- 1.700.000 đồng vé bay khứ hồi
- 1.500.000 đồng vé xe khách và thuê xe máy
- 900.000 đồng cho 4 đêm homestay
- 2.000.000 đồng tiền xăng, ăn uống, vé tham quan
Lưu ý
Các điểm tham quan xa nhau, đường vắng và nhiều đèo cua nguy hiểm, cần tranh thủ về homestay trước khi trời tối.
Thời tiết đầu năm khá lạnh bạn nên mang theo trang phục để giữ ấm cơ thể. Ưu tiên chọn mũ bảo hiểm kín để chắn gió lùa vào tai.
Khách nữ nên mang kem dưỡng ẩm và uống nhiều nước. Thảo thấy đi mùa nào thì không khí miền núi đều hơi khô làm da dễ bị tróc khi trở lại miền Nam.
Đi dài ngày nhưng bạn nên tối giản hành lý nhất có thể để an toàn hơn khi di chuyển.
Chuyến đi này Thảo thay đổi trang phục khá nhiều nên thường thay tại quán ăn trưa và một số điểm tham quan sẽ có chỗ thay đồ. Bạn nên mặc đồ màu nổi như cam, đỏ, trắng để chụp hình không bị chìm giữa thiên nhiên cây cỏ.
Không xả rác bừa bãi.
Khánh Trần
Ảnh: Ngọc Thảo