Có dịp đến xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, du khách có thể đến thăm núi Mắt Thần nằm trong quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Bao quanh núi là thung lũng rộng lớn với những thảm cỏ xanh trải dài, khung cảnh hoang sơ, yên bình và tĩnh lặng với những đàn ngựa thong thả gặm cỏ.
Theo tiếng Tày, ngọn núi được gọi là Phja Piót, nghĩa là núi bị thủng một lỗ. Người địa phương thường gọi là núi Thủng và khách du lịch cũng dần quen với cái tên này. Còn các nhà khoa học quốc tế khi nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng đã đặt tên ngọn núi là Mountain Angel Eye, nghĩa là núi Mắt Thần.
Núi cao khoảng 100 m trông như một khối hình tháp xanh khổng lồ nằm giữa lòng thung lũng. Điểm nhấn đặc biệt chính là lỗ thủng xuyên qua lòng núi với đường kính chỗ rộng nhất khoảng 35 m. Kiệt tác của thiên nhiên được hình thành trong quá trình kiến tạo địa chất diễn ra hàng chục triệu năm trước, là nét độc đáo hiếm có trong hệ thống núi đá vôi tại Việt Nam.
Ngoài việc chiêm ngưỡng ngọn núi, cảnh vật xung quanh cũng tuyệt đẹp. Đó là một vùng thung lũng rộng lớn có sự biến đổi theo mùa trong năm. Vào mùa khô, nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh cỏ non, từng đàn trâu, ngựa thong thả gặm cỏ, nền đất phẳng có thể làm nơi cắm trại hoặc thích hợp tản bộ, đạp xe, lượn xe máy vòng quanh ngắm cảnh, hóng gió. Đến mùa mưa, khu vực biến thành một vùng hồ rộng có thể chèo thuyền, giăng lưới đánh cá.
Đi dọc theo các lối mòn gần núi còn có thác nước Nậm Trá, một thác nước đẹp trong vùng đáng để du khách tham quan hoặc bạn có thể ghé thăm xóm Bản Danh với những căn nhà sàn lợp ngói âm dương, hàng rào đá, đồng lúa, ruộng ngô... của người Tày trong vùng.
Núi Mắt Thần cách trung tâm TP Cao Bằng khoảng 50 km, đường đến núi được du khách nhận xét là khá khó tìm, trong mùa mưa đường có thể hơi lầy, đi bằng xe máy là thuận tiện nhất. Dọc đường bạn sẽ đi ngang đèo Mã Phục, một trong những con đèo nổi tiếng và đẹp nhất Cao Bằng với những cung đường uốn lượn.
Huỳnh Nhi