Google thường dùng các hình tượng trưng trên trang hiển thị của mình vào một số ngày trong năm. Đây là thay đổi vui nhộn và đôi khi ngẫu hứng nhằm tăng tương tác với người dùng, để chào mừng các ngày lễ, dịp kỷ niệm và tôn vinh các nghệ sĩ, người tiên phong và các nhà khoa học nổi tiếng... Năm vừa qua, 5 món ăn được nền tảng này tôn vinh, trong đó có phở Việt.
Yee Sang
Vào ngày 18/2, Google tôn vinh Yee Sang, món gỏi cá sống của Malaysia. Đây là món ăn truyền thống được người dân thưởng thức vào mùng 7 Tết Âm lịch. Các thành viên trong gia đình sẽ dùng đũa gẩy (tung) các thành phần của Yee Sang lên cao trong khi đồng thanh nói "Lou Hei" (tung vận may lên) và chúc nhau những điều may mắn trong năm mới. Người ta tin rằng thức ăn được tung lên càng cao, năm đó sẽ càng phát tài.
Nghi thức này bắt nguồn từ thần thoại Trung Quốc về thần Nữ Oa, người được cho là đã tạo ra loài người vào ngày thứ 7 của năm mới. Những thủy thủ và ngư dân Trung Quốc đã kỷ niệm ngày thiêng liêng này bằng cách kết hợp thức ăn thừa cho năm mới để tạo ra yu sheng, một món salad ngon và tiết kiệm.
Đến những năm 1930, người Trung Quốc mang yu sheng đến Malaysia, bán gỏi cá với gừng và rau diếp trên những xe hàng rong. Đến năm 1940, đầu bếp Loke Ching Fatta thêm thắt và sáng tạo thêm cho món ăn này để tạo ra yee sang như ngày nay. Fatte đã kết hợp khoảng 30 nguyên liệu cùng với nước sốt do mình sáng chế để tạo thành món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Malaysia.
Một trong những thành phần phổ biến nhất của yee sang bao gồm cá sống, gừng, cà rốt bào sợi, củ cải, bưởi, tỏi tây, thêm gia vị như đậu phộng nghiền và trộn đều với một số loại dầu và gia vị khác nhau. Yee sang có vô số biến thể.
Pizza
Pizza là một trong những món ăn phổ biến nhất trên thế giới. Món ăn này được Google tôn vinh vào 6/12, kỷ niệm 4 năm ngày nghệ thuật ẩm thực Napoli "Pizzaiuolo" được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận.
Món bánh dẹt với topping phong phú đã được yêu thích trong nhiều thế kỷ ở các nền văn minh cổ đại từ Ai Cập đến La Mã, tuy nhiên thành phố Napoli ở phía tây nam Italy mới được ghi nhận là nơi sản sinh ra loại bánh pizza được biết đến ngày nay với lớp bột nhào phủ cà chua và phô mai. Đó là lý do xuất hiện cụm từ nghệ thuật ẩm thực Napoli "Pizzaiuolo".
Ngày nay, ước tính có khoảng 5 tỷ chiếc bánh pizza được tiêu thụ trên toàn thế giới mỗi năm. Riêng tại Mỹ, con số là 350 miếng pizza mỗi giây.
Gỏi đu đủ Thái
Som Tum là món gỏi đu đủ xanh, chua ngọt. Dù đây là đặc sản của Thái Lan, cũng phổ biến ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Vào 14/12/2012, som tum được Cục Xúc tiến Văn hóa Thái Lan đăng ký là món ăn di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Như nhiều món khác trên thế giới, nguồn gốc thật sự của món gỏi vẫn còn là bí ẩn. Hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử ẩm thực đều tin rằng món salad mặn này có nguồn gốc từ Lào do nó có lịch sử ở vùng Isaan, bao gồm các khu vực phía đông bắc Thái Lan, giáp với Lào. Công thức kinh điển của món gỏi này gồm ớt Thái cay được làm dịu lại với đường thốt nốt, tỏi, tôm, nước mắm, đậu phộng, chanh, cà chua bi, đậu xanh và đu đủ xanh.
Thuật ngữ "som tum" là sự kết hợp của hai từ trong tiếng Isaan, nghĩa là "hương vị chua" và "giã", thể hiện bước đầu tiên trong quá trình chuẩn bị món gỏi, trong đó cối và chày được sử dụng để nghiền một số nguyên liệu trở thành nước sốt chua. Sau đó, nước sốt này được trộn với các thành phần còn lại và phủ thêm đậu phộng rang giòn. Thành phẩm cuối cùng là một món salad đồng thời có vị mặn, ngọt, cay, chua và đắng - một sự kết hợp hương vị đặc trưng của ẩm thực Thái Lan. Cách chuẩn bị món ăn này khác nhau theo vùng miền, nhưng đa phần là dùng với các món làm từ gạo nếp.
Phở
Bắt đầu từ năm 2018, ngày 12/12 được coi là Ngày của Phở tại Việt Nam và năm nay, Google tôn vinh món ăn này. Điều làm nên sự khác biệt của phở là quá trình nấu ăn mà người đầu bếp đặt cả tâm huyết của mình vào đó, để tạo nên hương vị đặc trưng, nước dùng trong, phù hợp với mọi khẩu vị.
Theo truyền thống, phở là món ăn sáng được bán ở các quán vỉa hè. Ngày nay, phở được bán trên toàn thế giới và có các biến tấu như phở trộn, phở cuốn. Các nhà sử học cho rằng phở có nguồn gốc từ tỉnh Nam Định vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Bánh mì tiên
Ngày 13/11 được lựa chọn để Google tôn vinh "bánh mì tiên". Đây là món ăn tuổi thơ, phổ biến ở Australia và Newzealand. Học giả người Scotland Robert Louis Stevenson là người đầu tiên đặt tên cho món ăn này trong một bài thơ "Bánh mì tiên" trong tập "Vườn thơ của một đứa trẻ" năm 1885.
Bánh mì gồm 3 thành phần đơn giản, bao gồm một lát bánh mì trắng cắt lát tam giác, sau đó được phết bơ và phủ cốm cầu vồng. Một số người tin rằng món bánh này được lấy cảm hứng từ hagelslag, một món bánh mì nướng kiểu Hà Lan phủ chocolate, trong khi người New Zealand và Australia tuyên bố đây là món bánh do họ phát minh. Người New Zealand đã làm ra những chiếc bánh có hạt cầu vồng hơn một thế kỷ. Người Australia tin rằng đây là món chính trong tiệc sinh nhật của trẻ em, không chỉ ngon miệng mà còn có hương vị hoài cổ.
Trung Nghĩa (Theo Google Doodle)