Pháo hoa mừng năm mới ở Đức. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Tôi bắt đầu viết những dòng này khi còn chưa biết mình nên bắt đầu từ đâu. Ngót nghét hai năm, vỡ òa hai cái tết ở xứ người với tôi cứ dài đằng đẵng. Có lẽ đọc xong câu này nhiều người sẽ cười, bởi bõ bèn gì mà viết với lách. Nhưng với tôi là quá đủ cho những trải nghiệm của một đứa con một, hai mươi năm sống trong sự bao bọc và che chắn của gia đình.
Tháng tám. Cuối thu hai không mười. Tôi lên đường bay sang Đức. Hơn mười hai tiếng đồng hồ ngất ngưởng trên trời, co ro trong hai vạt áo mặc vội tôi đã có mặt tại sân bay Frankfurt am Main.
Mọi thứ hiện ra choáng ngợp trước mắt tôi. Người bạn tôi chắc như đinh đóng cột sẽ ra đón thì không thấy đâu, rất may mắn một lúc lâu sau lại có hai người chưa gặp bao giờ mà nhờ liên lạc qua email họ đã tìm được tôi. Chúng tôi lên bus khi mưa giăng kín bầu trời và ướt hết gần 6 thùng đồ. “Đức đây rồi”, tự lẩm bẩm với cảm giác lâng lâng khó diễn tả…
Sau ba tháng cái tư tưởng đây như thể một cuộc vui, cuộc dã ngoại, cuộc đi rồi lại về vẫn không thay đổi. Mọi thứ được khám phá, làm quen và tích lũy để mong tới ngày về sẽ lôi ra kể lể cho ba mẹ và bạn bè ở nhà được biết. Rồi cứ thế mọi cuộc vui cứ nối tiếp cuộc vui. Thi xong đầu vào dự bị tôi đi hết thành phố này đến thành phố khác, nơi có bạn bè đang học ở đó, hoặc không có thì vẫn cứ đi.
Thế rồi, chậm chạp và cẩn trọng dưới từng bước đi đầy nhớp nháp với đôi giầy to cục mịch mà mẹ sắm cho từ ở Việt Nam tha lôi sang tôi mới hiểu được tại sao những ai ở đây lâu năm thường sợ tuyết…Đông đến. Mang theo một màu duy nhất. Trắng. Trắng mịn, trắng xốp, trắng mong manh, trắng lạnh và không thể không kể tới trắng lạc lõng. .
Gần hai tuần là thời gian nghỉ gộp cả Noel lẫn Tết. Vẫn như thường lệ, năm nào cũng vậy. Ai nấy đều hả hê và bận rộn với những chuyến đi và sự dịch chuyển. Duy chỉ có những người nước ngoài, nhất là người Châu Á như tôi đón một cái tết truyền thống chậm hơn dân Châu Âu thì mới ở lại ký túc hoặc không thì tự đi đâu đó, hay đến nhà bạn bè tụ tập ăn uống cho qua ngày.
Cái không khí Noel ở đây quả thật khác biệt. Ai cũng hối hả đi mua quà cho người thân và bạn bè. Nó dường như là một phong tục không thể thiếu ở xứ Âu nói chung. Họ nô nức đi chợ Noel, sắm những cây thông, mua hàng tá nến để đốt liên tục trong khoảng thời gian được nghỉ và đặc biệt hơn ở Đức có Gluehwein (tên một loại rượu), rượu truyền thống cho ngày Giáng sinh.
Dưới những bước chân chậm rãi trên hè đường buổi tối và trong cái hớt hả tuôn rơi không ngừng của mưa tuyết, họ bên nhau, tay kề ly rượu ấm nồng hương quế lững thững trò chuyện. Đơn giản vậy đấy, để rồi vào đúng ngày Noel, đường phố nơi đây lại trở lại cái hiu quạnh và cô đơn tuyệt đỉnh của Châu Âu như thường lệ, cái mà ai từng ở lâu đều thấu hiểu trong tâm khảm.
Hơn một tuần không bước chân ra khỏi cửa phòng, mở đóng cửa sổ đều thấy trời và đất cùng một màu, tôi bắt đầu cảm nhận được sự gặm nhấm của thời gian, bắt đầu ngờ ngợ là hình như mình đã đi xa lắm rồi, và còn phải rất xa nữa mới được gặp lại gia đình, bắt đầu chuếnh choáng và bắt đầu cả những lo lắng hoang mang.
Giao thừa Tết tây đầu tiên tôi đi chơi cùng một nhóm bạn. Hay nói đúng hơn là cuộc chiến cách mạng "được ra khỏi nhà vào đêm giao thừa" sau hai mốt năm dưới sự kìm kẹp. Tôi hân hoan xen lẫn cả hồi hộp vì cái gì lần đầu tiên chả nhiều hứng khởi thích thú.
No say ăn uống xong, chúng tôi bắt đầu thong thả ôm pháo đi bộ dọc ra bờ sông Main để tìm kiếm một chỗ đứng đẹp, cũng như đủ tầm để pháo được bắn lên cao nhất có thể. Mọi thứ xa lạ quá trời. Chẳng giống cái Tết ở nhà mình gì cả. Hay tại tôi chẳng bao giờ được biết cái không khí giao thừa ở nhà nó như thế nào nên thấy thế thì không biết.
Người người đổ ra đường, nhà nhà ôm pháo ra sông Main. Rồi phút giây lặng lẽ mong chờ cũng đến, mọi người đứng cạnh đều ôm chầm lấy nhau kèm theo lời chúc mừng năm mới dưới cái sương tuyết giá lạnh. Anh bạn đứng cạnh cũng ôm chầm lấy tôi lúc phát pháo đầu tiên được bắn lên phía bên kia cầu.
Thế là năm mới đến rồi, thế là năm mới đấy, thế là ba tháng du ngoạn mà không phải du ngoạn. Thế là đã đi rất xa rồi nhé, mọi thứ là thật đấy, tôi tự nhủ, trong cái bầu không khí chung quanh thật náo nhiệt mà cũng không kém phần trống trải. Mùi pháo, mùi cay, và say luôn cả đôi mắt ứa tình.
Các cụ nói ra Giêng hết năm thật chẳng có sai. Ngoảnh đi ngoảnh lại tôi đã qua cái tết thứ hai ở xứ người. Chẳng thể tin được gần hai năm tôi chưa gặp mà chỉ được nhìn ba mẹ qua cái màn hình khô cứng. Năm nay từ trước đợt nghỉ Noel tôi đã quyết tâm không đi lại vết xe cũ của năm ngoái mà phải ra khỏi nhà. Đi đâu cũng được, miễn là đi.
Biển phía Bắc của nước Đức. Điểm đến mà tôi đã mua vé tàu cho mình trong chuyến hành trình với những dự định được định sẵn. Sau bảy tiếng êm ả với ICE, và ba lần chuyển các ga tôi đã hít được cái luồng gió mới từ cảng thổi mạnh đến bạt cả người.
Kết thúc ngót nghét một tuần lang thang ngao du một mình, tôi trở lại Frankfurt để tiếp tục chiến dịch hò hẹn đi bắn pháo hoa cho cái tết thứ hai…
Lại bảy tiếng tu tu xình xịch, lại bảy tiếng ngây ngất. Silvester. Như thường lệ, chúng tôi lại tập trung ăn uống ở nhà một ai đấy rồi sau đó mới đi đốt pháo. Cũng như năm ngoái nhưng đội hình năm nay thiếu một chiến hữu nhiệt huyết trong mọi lĩnh vực, bù lại lại có thêm vài lính mới gia nhập thêm. Vì không đủ chỗ nên năm nay chia làm hai đội, một đi ô tô, một đi tàu. Hẹn nhau ở đầu cầu sông Main.
Trớ trêu thay đội tôi đi tàu bị trễ vì bến nào cũng phải dừng lại do quá đông người lên. Đến nơi lại còn nhầm đầu cầu này sang đầu cầu bên kia. Vậy là lạc nhau, vậy là tiếng pháo giao thừa nở trên bầu trời thì đội một với đội hai vẫn chưa tìm thấy nhau ở đâu cả.
Và thế là chúng tôi, đội những người đi tàu đến muộn vừa chạy vừa ôm nhau chúc mừng năm mới, vừa ngó ngàng ngơ ngáo xem đội hai ở đâu. Để rồi khi gặp được nhau, chúng tôi lại siết chặt lần nữa những vòng tay, lại hả hê thích thú cùng nhau ném pháo…Và cũng trùng hợp kì lạ, khi vẫn là anh, người đầu tiên ôm tôi vào giao thừa năm ngoái cũng vẫn là người đầu tiên ôm tôi vào giao thừa năm nay.
Mặc dù bớt xa lạ hơn so với cái giao thừa thứ nhất, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa bao giờ sự hòa nhập lại khó khăn đến vậy. Cái bơ vơ lạc lõng vẫn quanh quẩn đâu đây, và cứ vẫn hiện hữu ngay chốn này.
Rồi lại bảy tiếng lê thê cho chuyến quay trở về. Không. Không phải thế. Tôi đang đi một thành phố tiếp theo, đón một cái giao thừa nữa ở một nơi khác. Tôi lại hân hoan. Lại háo hức.
…. .
Tách. Tiếng chìa khóa tẽ đôi cánh cửa và căn phòng tối khi tôi chưa kịp thò tay nhấn công tắc đèn. Xông nhà và lẩm bẩm chúc mừng năm mới với những cuốn sách sau cánh cửa, tôi biết mình phải trở về với cuộc sống hiện tại. Năm mới rồi. Tiếp tục thôi.
Xuân 2012
Lê Bảo Ly