Gần đây mọi người đang tranh luận có nên duy trì trả bài đầu giờ hay không. Có nhiều người ủng hộ chấm dứt trả bài miệng với nhiều lý do.
Tôi đang định cư ở nước ngoài và có con cái học tiểu học và cấp hai. Đúng là họ không có kiểm tra miệng, mà là kiểm tra 15 phút, 30 phút, 50 phút. Họ kiểm tra học sinh hàng tuần, hàng ngày, cả lớp đều được báo trước, cùng làm bài và có nhiều cơ hội để gỡ nếu một vài bài làm kém.
Nhưng cần phải biết rằng, ở nước ngoài mỗi lớp chỉ có 20 học sinh, số lượng bài phải chấm điểm không nhiều. Giờ học bắt đầu muộn và kết thúc sớm nên giáo viên có thời gian chấm bài, lương giáo viên tốt nên giáo viên không phải dạy thêm.
Để nâng cao kỹ năng nói, họ tổ chức cho học sinh thuyết trình bằng máy tính các chủ đề khác nhau, làm nhóm hay riêng lẻ, điểm có thể tính hoặc chỉ tính đạt hay không đạt. Để làm vậy họ cần có thời gian đủ để mỗi học sinh có đủ thời lượng trình bày, họ cũng trang bị laptop, nối mạng cho từng học sinh.
Chương trình không quá nặng để có thể thu xếp nhiều ngày cho những hoạt động này. Về phần bố mẹ không áp lực con phải học giỏi vì học nghề cũng đủ sống đầy đủ và được xã hội tôn trọng. Rõ ràng để trẻ em đến trường vui vẻ cần một sự thay đổi toàn diện của xã hội chứ không phải chỉ là những thay đổi nhỏ lẻ của ngành giáo dục.
Ngoài ra, nhiều người nói, giáo dục ở các nước phát triển nhẹ nhàng, nhân văn mà tạo ra nhiều nhân tài. Có một sự thật mà ít người biết, đó là chất lượng kiến thức của trẻ em các nước này cũng đang đi xuống. Năng lực chuyên môn của trẻ em hiện nay không bằng thế hệ cha ông sau một thời gian dài "giáo dục nhẹ nhàng".
Không phủ nhận kỹ năng mềm và khả năng làm việc với công nghệ cao của trẻ cao hơn thế hệ trước, nhưng các nước phương Tây cũng đang xem xét lại hệ thống giáo dục của họ.
Ngày càng nhiều người nhập cư tài năng từ các nước nghèo được chào đón đến các nước này vì họ thiếu nhân lực chất lượng cao. Bản thân họ cũng không dám tin kiểu giáo dục này sẽ "tạo ra nhiều nhân tài". Vậy tại sao chúng ta lại mặc định tin như vậy.
Tôi không phản đối hay ủng hộ giáo dục nghiêm khắc, nhưng chúng ta không thể cứ đơn giản học theo các nước phát triển mà áp dụng bừa vào hoàn cảnh của mình được.
Vì thế, tôi xin phản biện như sau:
Thứ nhất, trả bài miệng có ảnh hưởng lên tâm lý học sinh không?
Hồi đi học, tôi luôn học hành chăm chỉ, nên thường không bị gọi trả bài vì cô giáo biết tôi có học bài. Những bạn chăm sẽ ít bị gọi và những bạn lười mà không sợ thì cũng ảnh hưởng gì. Chỉ có những bạn đã lười học lại sợ phạt mới lo lắng.
Vậy cái cần điều chỉnh là thái độ của cha mẹ những bạn đó khi con cái bị điểm kém. Đã không đôn đốc quan tâm đến việc học của con, lại muốn con phải thật giỏi, thay vì động viên con gỡ điểm lần sau lại trách mắng thì con mới sợ. Họ mới cần điều chỉnh chứ không phải nhà trường hay giáo viên.
Thứ hai, trả bài miệng có khiến học sinh học vẹt đối phó không? Thực ra đây không phải là hình thức duy nhất khiến học sinh học vẹt. Đã học vẹt thì kể cả kiểm tra 15 phút, 45 phút, thi đều vẹt nốt. Nếu bỏ trả bài miệng học sinh vẫn phải chuẩn bị cho kiểm tra 15 phút là loại không báo trước cơ mà?
Thứ ba, trả bài miệng đầu giờ làm học sinh căng thẳng buổi sáng trong khi các cháu thiếu ngủ và vạ vật trên xe lúc đi học. Việc thiếu ngủ là do chương trình học nặng, bố mẹ sắp xếp thời gian không hợp lý, muốn con học giỏi, học trường tốt ở xa, đường tắc... cái này là cả một vấn đề lớn của xã hội, không thể cải thiện chỉ bằng việc bỏ kiểm tra miệng.
Thứ tư, trả bài miệng làm nặng bệnh thành tích là không đúng. Loại điểm này thường là hệ số một và các giáo viên luôn cố gắng cho học sinh gỡ điểm vào những dịp kiểm tra khác.
Thứ năm trả bài miệng chỉ có một vài học sinh chịu trận trong khi kiểm tra 15 phút thì cả lớp chịu chung. Đây là quan điểm ích kỷ, nhút nhát, không dám đối mặt với khó khăn một mình. Cần phải chú ý đến khả năng làm việc của giáo viên nữa. Các giáo viên dạy nhiều học sinh, chấm bài 15 phút không xuể, chưa kể bài 15 phút có thể quay cóp, chép bài nhau, hiệu quả đánh giá không cao bằng kiểm tra miệng.
Sống Vui Khỏe
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.