Theo thông tư 24/2023 của Bộ Công an có hiệu lực từ 15/8, biển số ôtô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, còn gọi là biển số định danh. Đây là một cách quản lý biển số theo mã định danh cá nhân của "chủ biển". Biển vẫn được cấp cho người dân theo quy trình như hiện nay chứ không phải "dùng mã định danh cá nhân làm biển số".
Một người có thể sở hữu cùng lúc nhiều biển số ôtô, xe máy. Mỗi biển sẽ gắn với một xe. Khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ mới của xe. Chủ cũ của xe phải nộp lại đăng ký, biển số cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Xung quanh quy định mới về biển số định danh, một trong những câu hỏi được nhiều người đưa ra là có phải thay đổi biển số định danh khi chuyển hộ khẩu? Độc giả Trung Nam thắc mắc: "Tôi xin lấy ví dụ mình có xe vừa đem bán ở TP HCM. Sau đó, tôi ra Hà Nội và lại mua xe khác. Như vậy, tôi phải chờ hay tự đi vào TP HCM lấy để có biển số gắn vào xe mới?".
Có cùng nỗi băn khoăn, bạn đọc Haitdth chia sẻ: "Vấn đề là nếu chủ xe chuyển sang tỉnh thành khác ở thì sao? Ví dụ tôi đang sở hữu một biển số ở Tây Ninh. Sau này, tôi chuyển đến TP HCM ở rồi thì biển số phải thế nào?".
Một câu hỏi khác được đưa ra là vấn đề chi phí cấp lại biển số định danh, độc giả New Zealand ID bình luận: "Nếu tôi mua nhiều xe máy, ôtô thì biển ôtô đó có thể thay cho xe máy và ngược lại không? Rồi lấy biển số như vậy thì có mất phí không, có nhanh hơn quy trình cũ không? Tôi có thể đấu giá tất cả biển số của mình cho người muốn mua xe của tôi không?".
>> Lý giải những điều khó hiểu khi cấp biển số xe theo mã định danh
Ở một khía cạnh khác, bạn đọc Quang Hiển Hà lại hoài nghi về áp lực lên kho biển số: "Cách làm này liệu có gây áp lực lên kho dữ liệu biển số không? Vì khi người ta bán xe rồi thì biển số vẫn giữ lại, nhưng phải 5 năm sau nếu người đó không mua xe mới thì biển mới bị thu hồi. Trong khi đó, số lượng xe mới đăng ký hàng năm rất lớn và nhu cầu cấp biển cũng lớn theo. Liệu cơ quan quản lý có lại ra biển sáu số không?".
Đánh giá về quy định mới về biển số định danh, độc giả Nam Hoai Lee lại đặt dấu hỏi về vấn đề biển giả: "Nghe ra thì tốt, nhưng quy định mới sẽ rất rắc rối khi ai đó bị người khác dùng biển giả của mình và vi phạm pháp luật. Nhỡ một ngày đẹp trời chủ xe bị công an gọi lên vì xe là tang vật của vụ cướp nào đó thì sao? Cần có giải pháp triệt để, để chủ xe thực sự không bị phạt oan do xe biển giả. Chống biển số giả cũng là vấn đề nan giải hiện nay".
Liên quan đến chuyện đấu giá biển số đẹp, bạn đọc Nguyên Hoàng Văn lại bày tỏ băn khoăn: "Theo quy định, nếu bán ôtô kèm theo biển số trúng đấu giá thì chủ xe không phải nộp lại biển số trúng đấu gián nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu. Người mua làm thủ tục đăng ký sang tên xe và sẽ được đăng ký, giữ nguyên biển số trúng đấu giá. Tuy nhiên, người nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá, không được chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển trúng đấu giá cho người khác. Nếu chỉ bán riêng xe mà không kèm theo biển số trúng đấu giá thì không bị nghiêm cấm.
Vậy hai điều này có mâu thuẫn với nhau? Biển trúng đấu giá là tài sản của cá nhân, được phép chuyển nhượng đi theo xe ở điều 1; nhưng người mua xe cũ có biển trúng đấu giá (là đã mua lại biển số theo xe), nhưng lại không được chuyển sở hữu biển số tiếp theo tại điều 2. Vậy thì biển đó để làm gì? Nhà nước cũng không thu hồi được vì đã bán cho cá nhân".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.