Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Thạch Văn Toàn, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Mùa mưa, nước bốc hơi mang theo tác nhân gây hại lơ lửng trong không khí khiến da con người dễ bị viêm nhiễm. Da vùng đầu ẩm ướt hơn do khí hậu là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da phát triển, như nấm da đầu.
Nguyên nhân
- Vệ sinh da không sạch sẽ.
- Lối sống, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.
- Đầu bẩn, tích gàu.
- Thói quen gội đầu vào buổi tối, không làm khô tóc trước khi đi ngủ.
- Sử dụng chung vật dụng cá nhân như lược, mũ, chăn gối, dao cạo râu... của người mắc bệnh.
- Lây nhiễm nấm từ động vật, thú cưng, vật nuôi gia đình.
- Ô nhiễm môi trường, tia UV trong ánh nắng mặt trời hay do nguồn nước.
Dấu hiệu
- Da đầu bị gàu, ngứa ngáy, xuất hiện mụn.
- Rụng tóc, xuất hiện các mảng hói.
Phòng ngừa, chữa trị
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, không nên gội đầu quá thường xuyên.
- Vào buổi tối chỉ nên gội bằng nước ấm.
- Không dùng loại dầu gội có độ tẩy gàu cao.
- Không cào, gãi mạnh khi gội đầu.
- Nên xả nhiều nước, làm khô tóc triệt để sau khi gội hoặc đi ngoài trời mưa về.
- Sấy khô tóc hoàn toàn trước khi lên giường ngủ.
- Nên gội đầu bằng bồ kết.
- Sử dụng thuốc trị nấm dạng uống hoặc kem bôi. Có thể điều trị bằng thuốc chống nấm trong vòng 6-8 tuần theo chỉ định của bác sĩ da liễu.
- Không đội mũ quá chật.
- Nên dùng chất tẩy rửa chuyên dụng, an toàn với tóc, tránh dùng chất tẩy công nghiệp có cường độ mạnh để vệ sinh nón mũ đội hằng ngày.
- Giữ da đầu khô thoáng, sinh hoạt, vận động thể thao đúng cách, giảm stress để phòng nguy cơ tái phát bệnh.
Nấm da đầu xuất hiện ở mọi lứa tuổi, dễ nhầm với các bệnh khác trên đầu như chấy rận, vảy nến, á sừng. Khi da bị nấm, người bệnh luôn khó chịu do ngứa ngáy, viêm tiết dịch bong vảy. Nếu chậm điều trị sẽ phát sinh nhiễm trùng, rụng tóc và để lại sẹo vĩnh viễn. Do đó, khi da đầu ngứa và nổi mẩn lâu ngày, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ tư vấn và dùng thuốc kịp thời.
Mỹ Ý