Nhân câu chuyện của nhân vật Công trong phim "Gia đình mình vui bất thình lình", tôi xin chia sẻ bài viết của mình.
Đứng ở góc độ của người đàn ông, có thể là anh Công giấu bệnh vì: Sợ sự thương hại từ mọi người xung quanh, sợ mọi người trong gia đình lo lắng buồn rầu, sợ chị Phương và mọi người vất vả, tốn tiền lo chạy chữa nên thà rằng một mình mình chịu đựng hết đau khổ chứ không muốn những người thân yêu của mình phải vất vả...
Nhưng với tôi, đó là sự suy nghĩ chưa thấu đáo dẫn tới có phần ích kỷ của anh. Và liệu có thật là sự chịu đựng của anh có thể đảm bảo gánh hết mọi đau khổ buồn phiền cho người thân anh?
Anh không nói ra, thì anh sẽ bị mọi người hiểu nhầm, trách móc, dẫn tới không khí trong gia đình ảm đảm, nặng nề. Bản thân anh sẽ là người mệt mỏi nhất: vừa chịu cái đau của căn bệnh hành hạ, vừa bị mọi người trách móc. Còn mọi người trong gia đình, trước sau gì rồi cũng sẽ có ngày họ biết được, chắc chắn là anh không thể giấu cho tới ngày anh nhắm mắt xuôi tay.
Vậy thì lúc họ biết được sự thật, họ sẽ cảm thấy thế nào? Đầu tiên là đau lòng tột độ. Sau đó là ân hận vì đã trách nhầm anh suốt thời gian qua, và tiếc nuối vì không biết còn bao nhiêu thời gian bên cạnh anh. Vậy thì việc anh hy sinh, âm thầm chịu đựng một mình có thật sự đúng đắn và cần thiết?
Ngược lại, nếu anh chịu mở lòng nói ra sớm cho mọi người hiểu? Trước sau gì cũng biết, chi bằng biết sớm. Một là mọi người trong gia đình, dù đau buồn nhưng ít ra sẽ không có những ngày tháng hiểu nhầm trách móc, xa cách nhau. Ngược lại là vẫn còn cơ hội có những ngày tháng bên cạnh yêu thương, quan tâm nhau, hiểu nhau hơn và làm những việc để sau này không còn phải hối tiếc.
Thời điểm bố tôi bị bệnh, ban đầu mình cũng suy nghĩ đắn đo rất nhiều, sau cùng, hai bố con bàn bạc thống nhất, và quyết định nói cho mẹ biết sớm, rồi mấy tháng sau mới nói cho họ hàng, bạn bè biết. Và cho tới bây giờ nhìn lại, tôi thấy điều này là quyết định sáng suốt.
Cũng như những cặp vợ chồng khác, 49 năm hôn nhân, bố mẹ tôi cũng có lúc cơm không lành, canh không ngọt, cũng có những hiểu lầm khó chịu ôm giữ trong lòng. Cho đến khi bố bị bệnh, bố mẹ dần dần buông được những chấp niệm cũ suốt mấy chục năm, mối quan hệ được chữa lành trọn vẹn.
Dịp 8/3 bố còn dặn tôi chuẩn bị hoa và bánh để chúc mừng mẹ. Mỗi lần mẹ về quê có việc là bố lại bịn rịn ra tiễn, hai ông bà ôm nhau, thậm chí còn tình cảm thơm má trước mặt con cháu. Đó là những ngày tháng tôi thấy bố mẹ tình cảm thắm thiết nhất trong suốt 30 năm cuộc đời được chứng kiến.
Vài ngày trước khi bố mất, mẹ có hỏi bố: "Suốt những năm tháng đã qua, tôi có gì sai, không phải với ông thì ông nói cho tôi biết để tôi nhận lỗi và cố gắng thay đổi, mong ông tha thứ". Lúc này bố đã nhẹ nhàng, thanh thản dặn mẹ rằng: "Cả đời bà lo lắng hương hỏa tổ tiên, chăm lo cho chồng con trọn vẹn, tôi chỉ dặn bà sau này đừng áp đặt con cái, để cho chúng nó được tự do thoải mái."
6 chị em tôi, và con cháu trong gia đình, sau khi biết bố bị bệnh, cũng kịp thời ngưng lại mọi thứ, ưu tiên việc quan tâm thể hiện tình cảm với bố, dành nhiều thời gian bên cạnh bố và tập trung lo tiền chạy chữa cho bố.
Bản thân tôi trước đó cũng từng lan man trong dòng đời với những lo lắng bất tận không đâu, cho đến khi bố bị bệnh thì mới thấy thật ngu ngốc khi lãng phí tâm trí vì những điều đó.
Anh em, họ hàng, làng xóm, và những người yêu quý bố mẹ, từng được bố mẹ tôi giúp đỡ thì khi biết tin cũng đã thăm hỏi động viên cả về tình cảm lẫn vật chất. Nếu không có sự giúp đỡ, quan tâm của mọi người thì chắc gia đình tôi cũng không thể lo cho bố trọn vẹn đến ngày cuối cùng như thế.
Hơn một nửa trong tổng số tiền hơn 400 triệu đồng lo cho bố là đến từ nguồn thăm hỏi và tình cảm từ tất cả mọi người. Số tiền thăm hỏi từ 30.000 đồng đến 20 triệu đồng, từng chút từng chút một đều đáng quý.
Một năm bố sống cùng bọn tôi ở Hà Nội, là năm đáng nhớ, đáng quý nhất của gia đình. Ngoại trừ việc đau đớn vì bệnh tật dày vò, tôi thấy đây là thời gian mà tinh thần bố thoải mái nhất: được nghỉ ngơi hoàn toàn, không phải làm việc hay lo lắng gì, được con cháu chăm sóc, được mọi người động viên, quan tâm. Và bố cũng buông được gần hết những muộn phiền bao năm qua.
Thử hỏi nếu lúc đó chỉ vì sợ ánh mắt thương hại của mọi người, sợ người thân vất vả mà giấu diếm bệnh tật thì những ngày tháng cuối đời của bố liệu có được trọn vẹn như thế, và liệu bây giờ bọn mình có được thanh thản khi bố đã không còn nữa, liệu những người từng mang ơn bố mình liệu có cảm thấy nuối tiếc khi không có cơ hội báo đáp?
Hôn nhân - đối với tôi là một mối quan hệ bình đẳng. Người đàn ông không nên vì quá đóng đinh việc mình là trụ côt gia đình nên phải luôn mạnh mẽ một mình gánh vác mọi thứ. Nên có sự san sẻ, chia sẻ với người bạn đời của mình. Nếu cô ấy là một người yếu đuối thì cô ấy sẽ được rèn luyện thêm sự mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn khi bạn không thể bên cạnh cô ấy.
Và biết đâu cô ấy lại là một người có khả năng giải quyết vấn đề thì tội gì không san sẻ, hai cái đầu kiểu gì chả lợi hại hơn một? Việc bạn chia sẻ với bạn đời có khi lại là thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao mà bạn dành cho cô ấy.
Suy cho cùng, cuộc đời chỉ là chuỗi những lựa chọn. Việc đưa ra quyết định hợp lý hay không phụ thuộc vào tư duy, cách nhìn nhận vấn đề của bạn. Việc quá tin vào suy nghĩ, nhận định của bản thân, luôn cho rằng bản thân mình là đúng là một rào cản lớn khiến bạn không thể thoát khỏi điểm mù, và dẫn đến những quyết định mà bạn tưởng là hợp lý nhưng thực ra lại rất sai lầm khi xét đến tổng thể.
Ta chỉ có một lần để sống, và không thể tính được ngày nào mình bất thình lình ra đi, chi bằng cứ thoải mái một chút để lỡ có bất ngờ ra đi thì ta và người thân ta ít phải hối tiếc nhất.
Thanh Hương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.