Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change hôm 29/6 cho thấy cực nam của Trái Đất đang ấm lên nhanh gấp 3 lần tốc độ trung bình toàn cầu trong ba thập kỷ qua. So sánh với dữ liệu thu thập từ 20 trạm khí tượng trên khắp châu Nam Cực, tốc độ ấm lên tại điểm cực nam cao hơn gấp 7 lần mức trung bình của lục địa.
"Nam Cực dường như bị cô lập với những gì đang diễn ra trên thế giới, nhưng thật bất ngờ, khu vực này lại là một trong những nơi nóng lên nhanh nhất trên hành tinh", tác giả chính của nghiên cứu Kyle Clem từ Đại học Victoria Wellington của New Zealand nhấn mạnh.
Clem cùng các đồng nghiệp muốn tìm hiểu lý do tại sao lục địa băng giá bắt đầu ấm lên nhanh chóng sau hai thập niên 1970 và 1980 hạ nhiệt. Nguyên nhân là do sự biến thiên tự nhiên? Hay tác động từ xu hướng nóng lên toàn cầu gây ra bởi hoạt động công nghiệp của con người? Câu trả lời mà các nhà nghiên cứu tìm thấy là cả hai!
Sự nóng lên ở Nam Cực có liên quan một phần với sự gia tăng nhiệt độ tự nhiên ở vùng biển nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương. Các xoáy nước ở vùng biển Weddell, ngoài khơi bán đảo Nam Cực đã hút nước ấm xuống phía nam, khiến băng tan chảy. Tuy nhiên, mô hình này chỉ đóng góp một phần vào quá trình tăng nhiệt. Phần còn lại là do hoạt động của con người dẫn tới biến đổi khí hậu.
Mặc dù những thay đổi rõ ràng đã được quan sát thấy tại khu vực ven biển Nam Cực, lớp băng nằm sâu trong lục địa vẫn chưa có nguy cơ tan chảy cao, theo nhóm nghiên cứu. "Nhiệt độ tại đó vẫn rất lạnh! Sự tăng nhiệt cho tới nay vẫn chưa đủ để gây ra bất kỳ tổn thất hàng loạt nào trong nội địa Nam Cực", nhà khí hậu học Julienne Stroeve từ Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ ở Boulder, Colorado cho hay.
Nam Cực nằm trên một cao nguyên băng cao hơn 2.400 m so với mực nước biển thường có mức nhiệt dao động từ -50 đến -20°C. Trong 30 năm qua, nhiệt độ đã tăng trung bình 1,8°C sau mỗi thập kỷ. Trong cùng thời gian đó, tốc độ ấm lên toàn cầu là 0,5 - 0,6°C.
Đoàn Dương (Theo Reuters)