Tảng băng trôi diện tích lớn tương đương thành phố Chicago sắp tách khỏi thềm băng Larsen D ở bờ biển phía đông của bán đảo Nam Cực, Newsweek hôm 25/6 đưa tin. Thềm băng là phiến băng lớn gắn với bờ và vươn ra ngoài biển, hình thành khi băng từ các sông băng hoặc suối băng chậm rãi đổ ra đại dương. Ở phía nhô ra biển, thềm băng đôi khi tạo ra các tảng băng trôi.
Giáo sư Adrian Luckman, nhà nghiên cứu sông băng tại Đại học Swansea, theo dõi thềm băng Larsen và thông báo về tảng băng trôi sắp tách ra trên mạng xã hội Twitter. Ông cho biết, có thể nó sẽ kéo theo một lượng lớn băng bền khi tách ra. Băng bền là loại băng gắn chặt vào đáy biển hoặc bờ biển. Băng bền thường xuất hiện ở thềm đại dương tại các rìa lục địa, không di chuyển theo gió hay hải lưu, theo Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC).
Luckman theo dõi băng Nam Cực nhờ nhóm vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Các vệ tinh này sử dụng vi sóng để chụp ảnh kể cả trong mùa đông Nam Cực, giúp giới nghiên cứu phát hiện những đường nứt chỉ rộng 10 mét trên băng. Nó cũng cho phép các nhà khoa học xác định nguy cơ xảy ra sự chia tách băng.
Việc tảng băng 500 km2 tách ra là hiện tượng tự nhiên và không gây ảnh hưởng lớn, theo Luckman. Ông phát hiện đường nứt cách đây vài tuần và dự đoán tảng băng có thể vỡ trong vòng một tháng.
"Việc những tảng băng nhỏ như vậy tách ra là một phần tự nhiên trong chu kỳ chia tách của các thềm băng. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy sự kiện này xảy ra sớm khác thường. Tuy nhiên, các thềm băng nằm dọc theo bán đảo Nam Cực đang giảm diện tích nhanh hơn trong những thập kỷ gần đây, khi đại dương và khí quyển ấm lên", Luckman nói.
Thềm băng Larsen gồm nhiều đoạn, trong đó thềm băng Larsen A và B đã tan rã. Năm 2017, khi một tảng băng trôi lớn tách ra khỏi Larsen C, nhiều chuyên gia cho rằng thềm băng này cũng sắp biến mất. Một nghiên cứu năm 2019 cũng chỉ ra, Larsen C sẽ có kết cục giống thềm băng Larsen A và B.
Thu Thảo (Theo Newsweek)